Văn hóa - Văn nghệ

Hội thảo khoa học “Thể lệ biên soạn và Đề cương chi tiết bản thảo Quyển Văn hóa Cần Thơ”
Cập nhật lúc 03:53 ngày 04/05/2024 - Số lượt xem: 54

Hội thảo khoa học “Thể lệ biên soạn và Đề cương chi tiết bản thảo Quyển Văn hóa Cần Thơ”


Ngày 03/5/2024, Ban Chủ nhiệm đề tài Nghiên cứu và biên soạn Địa chí Cần Thơ: Văn hóa Cần Thơ tổ chức Hội thảo khoa học “Thể lệ biên soạn và Đề cương chi tiết bản thảo Quyển Văn hóa Cần Thơ”, ông Nguyễn Thực Hiện - Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Chủ nhiệm Quyển Văn hóa Cần Thơ chủ trì hội thảo.

Chủ tọa hội thảo.

Địa chí Cần Thơ là công trình nghiên cứu khoa học có tính đặc thù, nhằm ghi nhận, giới thiệu về địa lý, lịch sử quá trình hình thành và phát triển, truyền thống, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, văn hóa - nghệ thuật, dân tộc, tôn giáo, địa danh, thắng cảnh, nhân vật lịch sử tiêu biểu, hướng tới cung cấp căn cứ cho việc hoạch định chính sách, làm tư liệu phục vụ hoạt động giáo dục, nghiên cứu, tra cứu, bảo tồn, quảng bá về vị trí, vai trò trung tâm động lực của thành phố Cần Thơ trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

          Theo đó, Địa chí Cần Thơ có 03 quyển, được thực hiện theo đề tài nghiên cứu khoa học gồm: Quyển 1 - Địa lý và Lịch sử Cần Thơ; Quyển 2 - Kinh tế và Xã hội Cần Thơ; Quyển 3 - Văn hóa Cần Thơ. Quyển Văn hóa Cần Thơ dự thảo có bố cục gồm có 12 chương, bắt đầu từ chương 19 đến 30, với 287 mục. Quyển Văn hóa là một thành phần trong tổng thể chung của Địa chí Cần Thơ có nội dung tổng quan văn hóa; văn hóa vật chất (ẩm thực; trang phục; nhà ở, đi lại; di tích kiến trúc); văn hóa tinh thần (tôn giáo, tín ngưỡng; nghi lễ, phong tục tập quán và lễ hội; văn học; nghệ thuật; phương ngữ và di sản Hán Nôm) và văn hóa xã hội (nông ngư cụ và làng nghề; báo chí; truyền thông và xuất bản) có tính độc lập tương đối giữa các quyển và được ghi nhận qua quá trình hình thành và phát triển thành phố Cần Thơ, bổ sung thêm giai đoạn 2004 - 2024 góp phần định vị những giá trị văn hóa truyền thống mang tính đặc trưng của vùng đất Trấn Giang - Cần Thơ xưa và nay, và là nguồn tư liệu chính thức, có tính khoa học và thực tiễn, xác hợp với vai trò và vị trí của thành phố Cần Thơ - đô thị loại I trực thuộc Trung ương, là cơ sở cho các cấp quản lý trong việc hoạch định chiến lược về phát triển văn hóa, cũng như trong việc quản lý và bảo tồn di sản văn hóa, quảng bá và thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến Cần Thơ.

Tại hội thảo, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, đại biểu tham dự hội thảo có nhiều ý kiến trao đổi, đánh giá, phân tích, đề xuất liên quan đến các nội dung về Thể lệ biên soạn và Đề cương chi tiết bản thảo Quyển Văn hóa Cần Thơ. Trong đó, các ý kiến tập trung các vấn đề như: Vận dụng Bộ Quy chuẩn biên soạn Địa chí Quốc gia Việt Nam để nghiên cứu, biên soạn Quyển Văn hóa Cần Thơ; những kinh nghiệm được rút ra từ Quy chế biên soạn Điạ chí Bến Tre trong việc biên soạn thể lệ địa phương chí; những quy chuẩn trong việc biên soạn Quyển Văn hóa Cần Thơ; một số giải pháp để triển khai thực hiện nhiệm vụ đề tài “Nghiên cứu và biên soạn Địa chí Cần Thơ: Văn hóa Cần Thơ”; nhận định và bổ sung dự thảo Thể lệ và Đề cương chi tiết Quyển Văn hóa Cần Thơ;… Qua đó, các tác giả, đại biểu đã có quá trình nghiên cứu sâu, toàn diện về các nguồn tài liệu, sách địa chí của các địa phương, các văn bản quy định liên quan đến công tác biên soạn địa chí, đặc biệt là sự tiếp cận Bộ Quy chuẩn biên soạn Địa chí Quốc gia Việt Nam của Trường Đại học Quốc gia Hà Nội biên soạn nhằm thực hiện Nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt cấp quốc gia “Xây dựng bộ Địa chí Quốc gia Việt Nam” do Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 2079/QĐ-TTg, ngày 22/12/2017.  

Thể lệ biên soạn Quyển Văn hóa đòi hỏi phải có 4 nguyên tắc cơ bản, gồm: nguyên tắc chính thống; nguyên tắc bảo vệ chủ quyền, lợi ích và an ninh quốc gia của Việt Nam; nguyên tắc kế thừa; nguyên tắc cập nhật. Đây là nội dung được quy định trong thể lệ biên soạn là rất cần thiết và quan trọng. Đó không chỉ là hoạt động mang tính khoa học, thực tiễn mà còn là vấn đề liên quan đến yếu tố chính xác, lợi ích, an ninh quốc gia.

Ông Nguyễn Thực Hiện - Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Chủ nhiệm Quyển Văn hóa Cần Thơ nhận định: Số lượng, tên gọi các mục của đề cương chi tiết bản thảo có thể thay đổi, bổ sung trong quá trình biên soạn. Do đó, trên cơ sở các nội dung bài tham luận và ý kiến đóng góp của đại biểu về số lượng, tên gọi mục sẽ được Ban Tổ chức hội thảo ghi nhận, nghiên cứu và hoàn chỉnh Đề cương bản thảo Quyển Văn hóa đảm bảo chặt chẽ, logic, đầy đủ nhất. Tuy nhiên, số lượng mục, dung lượng trình bày trong các mục cần có tính cân đối, hài hòa, tránh sự chênh lệnh quá lớn. Ban Tổ chức hội thảo ghi nhận các ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, đại biểu tham dự hội thảo và nghiên cứu chọn lọc, bổ sung vào dự thảo những nội dung cần thiết, phù hợp tiêu chí nội dung Quyển Văn hóa Cần Thơ, góp phần hoàn chỉnh Thể lệ và Đề cương chi tiết Quyển Văn hóa Cần Thơ.

Tin, ảnh: Duyên Hải





Chia sẻ bài viết:  
  In bài viết




Liên kết