Chính trị, xây dựng đảng, đưa nghị quyết vào cuộc sống

Khơi dậy khát vọng cống hiến của tuổi trẻ. Bài 1: Cống hiến là lẽ sống của thanh niên
Cập nhật lúc 09:59 ngày 26/03/2024 - Số lượt xem: 81


“Đoàn Thanh niên của chúng ta là Đoàn Thanh niên tiên phong” - lời nhắn nhủ, kỳ vọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với tuổi trẻ cả nước tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII, nhiệm kỳ 2022-2027, đã và đang được các cấp bộ Đoàn nỗ lực thực hiện thông qua nhiều phong trào, công trình, phần việc thiết thực. Tại TP Cần Thơ, các cấp bộ Đoàn chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, coi đây là nền tảng cốt lõi để nâng cao chất lượng hoạt động, phong trào. Các thế hệ đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) không ngừng học tập và rèn luyện, khát khao cống hiến xây dựng quê hương đất nước.

Một ngày giữa tháng 3-2024, tại cột mốc 265 đóng giữa vùng biên giới Việt Nam - Campuchia (thuộc địa phận TP Châu Đốc, tỉnh An Giang), hơn 50 ĐVTN của TP Cần Thơ và tỉnh An Giang nghiêm trang thực hiện nghi thức chào cờ. Tự hào và trách nhiệm là cảm xúc của các bạn trẻ tham gia lễ chào cờ tại cột mốc chủ quyền phía Tây Nam của Tổ quốc. Anh Trần Việt Tuấn, Phó Bí thư Thành đoàn Cần Thơ, xúc động chia sẻ: “Mỗi năm một lần, “áo xanh” tình nguyện tô đẹp thêm nơi biên cương bằng những phần việc hữu ích, giúp bà con nghèo, cứ thế chúng tôi khoác “áo xanh” để được đi, cho đi và cống hiến sức trẻ vì cộng đồng”.

Bác sĩ trẻ Nguyễn Quốc Thể, Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, tham gia khám chữa bệnh miễn phí cho bà con ở huyện Châu Thành, tỉnh An Giang.

Tuổi trẻ hướng về biên giới, hải đảo

Hơn 4 giờ sáng, 29 ĐVTN tham gia chương trình “Tháng 3 biên giới” do Thành đoàn - Hội LHTNVN thành phố tổ chức, đã có mặt tại điểm hẹn. Sáng sớm, khi đến UBND xã Vĩnh Tế, TP Châu Đốc, tỉnh An Giang, hàng trăm người dân có mặt tại địa điểm khám bệnh đã được thông báo trước để chờ đoàn y, bác sĩ. Một “bệnh viện dã chiến” nhanh chóng được dựng lên trong khuôn viên UBND xã. Các bàn đăng ký khám bệnh, đo huyết áp, đo đường huyết, phát thuốc... được bố trí theo quy trình một chiều để trong thời gian ngắn nhất có thể khám bệnh được cho nhiều người nhất.

Vừa tất bật khám bệnh, vừa trực tiếp tư vấn cách chăm sóc sức khỏe, bác sĩ trẻ Nguyễn Quốc Thể - Khoa Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ) hầu như không ngơi nghỉ, bởi có hơn 200 người đang chờ đến lượt khám, trong khi cả đoàn chỉ có 18 y, bác sĩ. Đây là lần thứ 4, bác sĩ Thể tham gia khám bệnh tình nguyện cho người dân vùng sâu, vùng xa kể từ khi tốt nghiệp (năm 2022). Anh bộc bạch: “Bà con ở vùng biên giới chủ yếu làm ruộng, ít được tiếp cận với các phương tiện truyền thông lẫn các dịch vụ y tế hiện đại, kiến thức chăm sóc sức khỏe còn hạn chế. Nhiều cụ già thường mắc các bệnh về đau nhức cơ xương khớp, đau mắt, trong khi các em nhỏ thường gặp bệnh về da liễu, tiêu hóa và hô hấp…”.

Hoàn cảnh ông Lê Xuân Côi (68 tuổi), cựu chiến binh ở ấp Cây Chăm, xã Vĩnh Tế, TP Châu Đốc, tỉnh An Giang rất khó khăn. Vợ ông bị tai biến, 3 người con làm thuê ở TP Hồ Chí Minh, hằng ngày ông chạy “xe ôm” kiếm tiền mua thuốc cho vợ. Từng là bộ đội Trung đoàn BB1, Sư đoàn 330, ông Côi trực tiếp tham gia kháng chiến bảo vệ biên giới Tây Nam năm 1979 (đến năm 1989 xuất ngũ), sức khỏe ông bị ảnh hưởng nhiều. “Nhờ các bác sĩ tận tình khám bệnh, cấp thuốc miễn phí, tôi an tâm hơn” - ông phấn khởi chia sẻ.

Theo anh Trần Việt Tuấn, Phó Bí thư Thành đoàn, với chủ đề “Biên cương Tổ quốc tôi”, chương trình “Tháng 3 biên giới” tập trung triển khai 3 nhóm nội dung trọng tâm: nhóm hoạt động đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục cho đoàn viên, hội viên, thanh niên về truyền thống, tình yêu quê hương đất nước; nhóm các hoạt động tri ân cựu chiến binh, cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng và nhóm các hoạt động an sinh xã hội, đảm nhận các công trình, phần việc thanh niên gắn với nhiệm vụ giữ gìn quốc phòng - an ninh, phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, đoàn đã tặng 1 công trình “Thắp sáng đường biên”, 300 phần quà cho người dân, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, khám bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho 400 bệnh nhân, với tổng giá trị trên 250 triệu đồng.

Trong 20 năm (2004-2024), hàng trăm ngàn lượt ĐVTN tham gia hoạt động vì cộng đồng, trong đó các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa, chăm lo người dân ở những địa bàn khó khăn, vùng biên giới, hải đảo được tuổi trẻ thành phố ưu tiên thực hiện. Hơn 1.100 căn nhà tình nghĩa, nhà tình thương, khăn quàng đỏ; trên 17.000 suất học bổng cho học sinh, sinh viên vượt khó học tốt, với tổng trị giá hơn 32 tỉ đồng là minh chứng sinh động trong các hoạt động vì an sinh xã hội. Trong đó, có nhiều chương trình tạo nên “thương hiệu” của tuổi trẻ thành phố, như: “Tháng 3 biên giới”, “Tuổi trẻ với mùa xuân biên giới”, “Tuổi trẻ cụm sông Hậu vì biển đảo quê hương”.

Tự hào là người cộng sản trẻ

Ông Trần Quốc Phẩm, Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong (TNXP) TP Cần Thơ, kể: “Năm 2023, Hội Cựu TNXP thành phố phối hợp Thành đoàn tổ chức hơn 14 cuộc tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Đáp lại, các bạn trẻ cũng tổ chức nhiều hoạt động tri ân, chăm lo cựu TNXP, tiếp lửa truyền thống. Đó chính là tình cảm, trách nhiệm của lớp trẻ hôm nay với các thế hệ TNXP”. Hình ảnh nhiều ĐVTN có mặt giúp dân “vượt triều cường”, hỗ trợ tiêu thụ nông sản, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hay những chuyến khám bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho các gia đình chính sách, hộ nghèo, khiến ông bồi hồi về một thời tuổi trẻ sôi nổi. “Thế hệ chúng tôi, trở thành đoàn viên, đảng viên, ai nấy đều tự giác, xung phong đến những nơi khó khăn, gian khổ, kể cả ra chiến trường chống giặc” - ông Phẩm nhấn mạnh.

Tiếp nối truyền thống, dưới sự dẫn dắt của tổ chức Đoàn, các thế hệ ĐVTN đã cống hiến, thực hiện các hoạt động tình nguyện ngày càng bài bản. Chị Lư Thị Ngọc Anh, Bí thư Thành đoàn Cần Thơ, cho biết các phong trào “Thanh niên tình nguyện”, “Tuổi trẻ sáng tạo”, “Tuổi trẻ xung kích bảo vệ Tổ quốc” được các cấp bộ Đoàn cụ thể hóa phù hợp yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của đơn vị, địa phương. Từng phong trào cụ thể đã tạo nên dấu ấn riêng, phát huy thế mạnh của ĐVTN, tạo dấu ấn đẹp trong lòng người dân ĐBSCL. Đó là hình ảnh những chiến sĩ tình nguyện có mặt khắp các “mặt trận” góp phần đảm bảo an toàn giao thông, trật tự xã hội, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh từ thành thị đến vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo.

“Mùa hè năm trước, chúng tôi tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân ở tỉnh Kiên Giang. Cả hành trình hôm đó, tôi cứ bồi hồi khi nhớ đến lời tâm sự của một chủ tàu rằng họ có thể tự mua những lá cờ Tổ quốc, nhưng khi nhận Quốc kỳ từ chương trình thì vô cùng sung sướng, tự hào vì lá cờ mang ý nghĩa đặc biệt. Đó là tình cảm, là nguyện vọng, ý chí của người dân Việt Nam gửi gắm các ngư dân, giúp ngư dân thêm sức mạnh, thêm niềm tin vươn khơi bám biển” - anh Huỳnh Quốc Thịnh, Phó Bí thư Đoàn khoa Luật (Trường Đại học Nam Cần Thơ), 1 trong 100 gương mặt nhận Giải thưởng Lý Tự Trọng năm 2024 của Trung ương Đoàn, kể. Gần 4 năm học qua, người “thủ lĩnh” này tổ chức 2 hành trình “Tôi yêu Tổ quốc tôi” tại vùng biên giới Việt Nam - Campuchia (thuộc tỉnh Đồng Tháp và An Giang), cùng nhiều mô hình tình nguyện: Trại hè “Sắc màu tuổi trẻ”, “Thắp sáng đường quê”.

Huỳnh Quốc Thịnh cũng đang lên kế hoạch tổ chức hoạt động tình nguyện tại xã đảo Thổ Châu, TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, với nhiều phần việc chăm lo cuộc sống ngư dân. Thịnh cho biết, những hoạt động tình nguyện được bản thân và Đoàn khoa tổ chức định kỳ để sẻ chia, giúp đỡ về vật chất, tinh thần với trẻ em nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn ở vùng nông thôn, biên giới. Các mô hình, sáng kiến chú trọng tạo sự kết nối, cộng hưởng và là diễn đàn để bạn trẻ hướng đến lối sống đẹp. Chính hoạt động tình nguyện giúp thế hệ trẻ thấu hiểu, biết trân quý giá trị của hòa bình, từ đó phấn đấu học tập, rèn luyện để giúp ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Từ hành trang vững chắc, ngày 20-3-2023, Thịnh vinh dự được kết nạp Đảng. Thịnh luôn ghi nhớ câu nói của anh hùng Lý Tự Trọng: “Con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng, không thể có con đường nào khác”. Theo Thịnh, lựa chọn và kiên định với lý tưởng sống cao đẹp là quá trình không chỉ đòi hỏi sự tự khích lệ mà còn yêu cầu cam kết sâu sắc đến từ bản thân. Thịnh luôn đặt ra mục tiêu cụ thể và không ngừng nỗ lực, học hỏi từ mỗi thất bại để tiến xa hơn, đồng thời tìm kiếm cơ hội để đóng góp và làm nên điều gì đó ý nghĩa hơn cho cộng đồng.

Qua nửa nhiệm kỳ (2022-2027) thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh TP Cần Thơ, Đoàn bộ thành phố có 2.263 đoàn viên ưu tú vinh dự được kết nạp Đảng. Tuổi trẻ thành phố cũng đã phát động Cuộc vận động “Người cộng sản trẻ”, “Nhật ký làm theo lời Bác”; bố trí gần 15.000 tài liệu học tập, nghiên cứu về chính trị, lịch sử - văn hóa, pháp luật ở các đơn vị, trường học; tổ chức 3.531 buổi xem phim, tọa đàm, trao đổi về các tác phẩm nghệ thuật về Đảng, Bác Hồ và hoạt động giao lưu với đảng viên có thành tích đặc biệt xuất sắc trên các lĩnh vực. Đồng thời, thành lập 2.368 đội, nhóm báo cáo viên, tuyên truyền viên nhằm thực hiện công tác tuyên truyền giáo dục của Đoàn.

Bài, ảnh: Tú Anh

--------------

(Còn tiếp)

Bài 2: Truyền cảm hứng sống đẹp, sống có ích





Chia sẻ bài viết:  
  In bài viết