Với sự nỗ lực của chính quyền địa phương cùng với sự đồng lòng của nhân dân, thời gian qua huyện Vĩnh Thạnh tập trung thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) và đã đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện. Diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên rõ nét, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Ðường giao thông nông thôn xã Vĩnh Trinh được đầu tư xây dựng khang trang, rộng thoáng, sạch, đẹp.
Ông Trần Xuân Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, nhận định: “Thời gian qua, huyện Vĩnh Thạnh xác định xây dựng NTM là cơ hội phát triển, là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân. Đặc biệt, Vĩnh Thạnh đã phát huy truyền thống cách mạng, tiềm năng, lợi thế của địa phương trong phát triển kinh tế nói chung, phát triển sản xuất nông nghiệp và xây dựng NTM nói riêng, đưa đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng nâng cao…”.
Theo UBND huyện Vĩnh Thạnh, đến nay huyện Vĩnh Thạnh đã có bước phát triển khá toàn diện, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, hạ tầng nông thôn được đầu tư đồng bộ, hiện đại; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, đảm bảo dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch trên 95%; trên 70% trường học các cấp được công nhận đạt chuẩn quốc gia; 100% xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế; đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn ngày càng được nâng cao; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; hệ thống chính trị cơ sở không ngừng được củng cố, kiện toàn nâng cao chất lượng hoạt động; phong trào xây dựng NTM được đẩy mạnh, đạt nhiều thành tựu quan trọng. Đến nay, huyện đã xây dựng 9/9 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, 7/9 xã đạt chuẩn NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025, 1/9 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và đặc biệt huyện Vĩnh Thạnh đã được công nhận huyện đạt chuẩn NTM…
Qua kết quả rà soát các tiêu chí theo Quyết định số 1380/QĐ-UBND ngày 20-6-2024 của UBND TP Cần Thơ về việc ban hành Bộ tiêu chí TP Cần Thơ về xã NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025, cho thấy Vĩnh Thạnh có 6 xã đạt 18/19 tiêu chí (xã Thạnh Quới, Thạnh Tiến, Vĩnh Bình, Thạnh Lợi, Thạnh Mỹ, Thạnh Thắng); 3 xã đạt 17/19 tiêu chí (Thạnh An, Thạnh Lộc, Vĩnh Trinh). Công tác xây dựng nông thôn mới nâng cao xã Thạnh Mỹ, tính đến ngày 31-8 đạt 18/19 tiêu chí, còn 1 tiêu chí chưa đạt là tiêu chí số 14 về y tế; xã Thạnh Quới (31-8) đạt 18/19 tiêu chí, còn 1 tiêu chí chưa đạt là tiêu chí số 14 về y tế.
Theo UBND huyện Vĩnh Thạnh, để thực hiện đạt mục tiêu trên, các chương trình, dự án và vốn ngân sách hỗ trợ trực tiếp Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM cùng với vốn đầu tư của doanh nghiệp, vốn tín dụng, các khoản đóng góp của nhân dân và huy động từ cộng đồng được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định. Việc huy động người dân đóng góp xây dựng NTM được thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch, không để xảy ra tiêu cực và tình trạng huy động vượt quá khả năng của người dân. Dự kiến nguồn lực thực hiện xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu năm 2024 của huyện là 200,673 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước thực hiện 187,752 tỉ đồng; nguồn vốn tín dụng 7,5 tỉ đồng; huy động từ người dân và cộng đồng 5,421 tỉ đồng.
Công tác phát triển sản xuất, tái cơ cấu ngành nông nghiệp và nâng cao thu nhập cho người dân là một trong những mục tiêu xây dựng NTM của huyện Vĩnh Thạnh hướng đến. Theo UBND huyện Vĩnh Thạnh, địa phương tập trung chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phát triển toàn diện, bền vững, nâng cao hiệu quả kinh tế theo hướng sản xuất lúa thơm đặc sản, lúa chất lượng cao, phát triển thủy sản, đẩy mạnh trồng màu và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Khâu đột phá là tổ chức lại sản xuất theo hình thức liên kết, hợp tác mà trọng tâm là hợp tác xã, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ các sản phẩm chủ lực của huyện, như lúa, mè, heo, cá... Bố trí cây trồng, vật nuôi phù hợp từng vùng theo quy mô hàng hóa tập trung. Qua đó, nâng cao hiệu quả sản xuất, đời sống của nhân dân được cải thiện.
Ngành Nông nghiệp huyện còn phối hợp với các đơn vị chuyên môn xây dựng nhiều mô hình sản xuất tiến bộ, như xây dựng và phát triển vùng canh tác hữu cơ trên một số cây trồng như lúa, cây trái và rau màu; mô hình “Trang trại an toàn dịch bệnh” tại các xã phía Bắc sông Cái Sắn; các mô hình sản xuất nông nghiệp theo quy trình tiên tiến, thân thiện với môi trường (VietGAP, Global GAP); gieo sạ lúa theo hàng mật độ thấp bằng máy APV (MDP 40 M1); phun thuốc phòng trừ sâu bệnh bằng máy bay không người lái, nhằm tiết kiệm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm từ đó nâng cao giá trị lợi nhuận và thu nhập cho nông dân... Bên cạnh đó, các hoạt động của các loại hình kinh tế tập thể tiếp tục được đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động. Hiện nay, huyện Vĩnh Thạnh có 22 hợp tác xã nông nghiệp hoạt động với nhiều ngành nghề khác nhau, với tổng vốn điều lệ 41,359 tỉ đồng và 797 thành viên.
Theo UBND huyện Vĩnh Thạnh, việc xây dựng NTM đòi hỏi sự tham gia của cả hệ thống chính trị và cộng đồng dân cư. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số khó khăn do một vài địa phương thiếu kiểm tra, đôn đốc thực hiện thường xuyên. Kinh tế của các xã chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn nên việc huy động sự đóng góp của người dân còn hạn chế. Một số tiêu chí đạt nhưng kết quả chưa cao như tỷ lệ mua bảo hiểm y tế, cảnh quan môi trường, an ninh trật tự cần phải thường xuyên nâng chất… Nguyên nhân hạn chế do xuất phát điểm đi lên xây dựng NTM của huyện từ huyện nông nghiệp; mặt khác, một bộ phận người dân chưa hiểu hết ý nghĩa, lợi ích của Chương trình mục tiêu Quốc gia về NTM, vẫn có tư tưởng ỷ lại sự hỗ trợ từ nhà nước nên chưa phát huy tích cực vai trò của cộng đồng dân cư…
Ông Trần Xuân Phương nhấn mạnh: “Để góp phần xây dựng huyện đạt chuẩn NTM nâng cao trong năm 2025, Vĩnh Thạnh cần sự hỗ trợ của các sở, ngành thành phố. Cụ thể, huyện đang cần hỗ trợ đầu tư xây dựng bến xe khách đạt chuẩn loại III trở lên; hỗ trợ xây dựng trường THPT đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên đạt kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 2 hoặc đánh giá đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục thông qua các thiết chế giáo dục khác được giao chức năng, nhiệm vụ giáo dục thường xuyên trên địa bàn. Sở Công Thương thành phố cần hỗ trợ huyện xây dựng chợ đạt tiêu chuẩn chợ kinh doanh thực phẩm theo quy định. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố hỗ trợ xây dựng các mô hình để tận dụng các chất thải hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp được thu gom, tái sử dụng, tái chế thành các nguyên liệu, nhiên liệu và sản phẩm thân thiện với môi trường. Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố hướng dẫn xây dựng mô hình xử lý nước mặt đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường, phục vụ sinh hoạt, sản xuất trên địa bàn...”.
Bài, ảnh: Hà Văn