TIN TRONG THÀNH PHỐ

Đồng chí Lê Quang Mạnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy: Phương án mở cửa sản xuất cần hoàn chỉnh và ban hành trước ngày 16/9
Cập nhật lúc 06:54 ngày 13/09/2021 - Số lượt xem: 229


Sáng 13/9, Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ tổ chức hội nghị thảo luận về phương án khôi khục sản xuất, phục hồi phát triển kinh tế thành phố. Các đồng chí: Lê Quang Mạnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư thành ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố; Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố; Trần Việt Trường, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố, chủ trì hội nghị. Hội nghị nhằm nghiên cứu các phương án tạo điều kiện để các thành phần kinh tế sớm mở cửa phục hồi hoạt động và đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.


Đồng chí Lê Quang Mạnh, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 thành phố, phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. 

Khôi phục sản xuất theo lộ trình phù hợp

Về phương án và lộ trình tổ chức mở cửa phục hồi và phát triển kinh tế thành phố, đồng chí Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố, cho biết: Tờ trình của UBND thành phố xác định nguyên tắc mở cửa, khôi phục kinh tế phải đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, bảo đảm sức khỏe, tính mạng con người đi đôi với phục hồi kinh tế, giải quyết việc làm ổn định đời sống người dân. Từng bước sống chung với dịch bệnh trong mọi hoạt động kinh tế xã hội. Đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine cho toàn dân và giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội. Từng bước phục hồi nền kinh tế, nối lại các chuỗi sản xuất kinh doanh bị gián đoạn, đình trệ, khơi thông dòng chảy nguồn lực của nền kinh tế, theo hướng giảm thiểu, tiến tới không lây lan dịch bệnh trong mọi hoạt động sản xuất kinh doanh. Tổ chức thực hiện với tinh thần không nóng vội, cũng không quá thận trọng, cứng nhắc, theo dõi sát quá trình thực hiện để kịp thời uốn nắn, sửa chữa. Việc mở cửa được thực hiện theo lộ trình, tăng dần theo tỷ lệ (30%, 50%, 70%,...) và được quản lý chặt chẽ theo các quy định hiện hành. Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các ngành và UBND quận, huyện đề xuất các lĩnh vực phải hạn chế quy mô hoặc tiếp tục tạm ngưng hoạt động, hướng dẫn các thành phần kinh tế trong việc xây dựng đề án, phương án và chấp hành các quy định về phòng, chống dịch. Kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện.

Về các bước mở lại hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, Tiểu ban Sản xuất và lưu thông hàng hóa trực thuộc Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố đề xuất: Ở giai đoạn 1, các ngành, lĩnh vực có thể xem xét cho mở lại hoạt động như sản xuất, kinh doanh, thương mại - dịch vụ; các doanh nghiệp (DN) chế biến, nông lâm thủy sản; hoạt động sản xuất nông nghiệp, hoạt động thu mua, tiêu thụ hàng hóa nông sản; hoạt động thi công xây dựng các công trình sử dụng vốn đầu tư công trên địa bàn. Hoạt động đầu tư của khu vực tư nhân, công trình sử dụng vốn ngoài ngân sách có phương án thực hiện đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch theo từng khu vực cụ thể. Các ngành, lĩnh vực theo yêu cầu của thành phố, đảm bảo công tác phòng, chống dịch. Thẩm định và hướng dẫn mở lại ít nhất 106 DN đã có phương án đăng ký hoạt động trở lại. Giai đoạn 2 từ ngày 18-9-2021 đến cuối năm 2021 (trong điều kiện tỷ lệ người lao động được tiêm vaccine còn thấp) sẽ tiếp tục hướng dẫn DN lập phương án mở lại sản xuất. Kiểm tra giám sát việc thực hiện theo phương châm vừa làm, vừa theo dõi, uốn nắn, chỉnh sửa. Các cơ quan thuộc thẩm quyền quản lý, các địa phương phối hợp theo dõi, hỗ trợ, khắc phục khó khăn, tháo gỡ vướng mắc cho DN.

Việc mở lại sản xuất tổ chức theo 3 bước. Bước 1 sẽ cho mở 30% mức sản xuất so với bình thường hoặc theo số lượng công nhân tại DN khi DN đã sẵn sàng và phương án sản xuất được phê duyệt. DN vận hành tốt và sẵn sàng tăng điều kiện hoạt động sẽ được xem xét giai đoạn 2.  Bước 2 triển khai mở 30%-50% mức sản xuất so với bình thường hoặc theo số lượng công nhân tại DN. DN đảm bảo vận hành tốt ở giai đoạn 1 sẽ được chấp thuận chuyển sang giai đoạn 2. Bước 3: Trên 50% mức sản xuất so với bình thường hoặc theo số lượng công nhân tại DN. DN đảm bảo vận hành tốt ở giai đoạn 2 sẽ được chấp thuận chuyển sang giai đoạn 3, hoạt động trở lại bình thường hoặc nếu không đảm bảo sẽ phải thực hiện lại giai đoạn 1, 2.


Đồng chí Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, phát biểu đề dẫn tại hội nghị.

Đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời

Cơ bản thống nhất với phương án đề xuất của UBND thành phố, đồng chí Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố,  góp ý để hoàn thiện Phương án và nhấn mạnh: Phương án nhằm giải quyết tình trạng đa số các DN đã đóng cửa từ ngày thành phố thực hiện giãn cách xã hội đang mong muốn được hoạt động trở lại. Đồng thời, cũng phù hợp với các DN muốn chuyển đổi từ “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường 2 điểm đến” tập trung sang 1 hình thức vận hành mới mang tính bền vững hơn, chủ động hơn, đảm bảo an toàn sức khỏe và tinh thần cho người lao động. Đồng chí Phạm Văn Hiểu lưu ý: Không phải mọi DN đều đáp ứng được yêu cầu để hoạt động trở lại. Do đó, cần có cách tiếp cận linh hoạt, để ưu tiên mở cửa trước cho các DN sẵn sàng trước, trong khi các DN còn lại tiếp tục có kế hoạch và khởi động sau khi đã chuẩn bị sẵn sàng. Ngoài ra, mỗi quận, huyện cần căn cứ vào đặc thù của mình, để điều chỉnh một vài yêu cầu, sao cho DN phát huy được sự chủ động, khắc phục được hạn chế và tận dụng được lợi thế, nguồn lực của địa phương. Các điểm chính của phương án là đưa ra khung vận hành thận trọng, để cả DN và các cấp chính quyền cần làm chủ được quy mô, sao cho phù hợp với năng lực của DN và địa phương. Lộ trình mở lại vẫn theo tỷ lệ 30% - 50% - 70% hoặc cao hơn nhưng phải xác định cụ thể những DN nào, loại hình hoạt động kinh doanh ra sao, ngành nghề gì, kể cả đối với hộ kinh doanh cá thể. Từ đó có kế hoạch, hướng dẫn cụ thể để phổ biến đến DN. Ngoài các nhóm giải pháp thực hiện ngay trong ngắn hạn cũng cần bổ sung thêm các giải pháp hỗ trợ dài hạn, phù hợp, kịp thời liên quan đến hỗ trợ về nguồn vốn, về chăm lo cho người lao động.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Lê Quang Mạnh, Ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 thành phố, khẳng định: Chủ trương của Ban Thường vụ Thành ủy là ưu tiên thực hiện các giải pháp để khôi phục lại bằng được các hoạt động sản xuất kinh doanh và đã giao UBND thành phố xây dựng phương án chi tiết cho việc triển khai này. Tờ trình của UBND thành phố tương đối toàn diện đầy đủ, theo hướng phân công công việc cho các sở, ngành, quận, huyện triển khai. Phương án, kịch bản cụ thể như thế nào thì nhất định phải có biện pháp, cách thức tương ứng để đảm bảo “mục tiêu kép”. Quan trọng nhất là cần có bộ khung cho DN, người dân, hộ kinh doanh trên địa bàn toàn thành phố nắm được để triển khai trở lại các hoạt động sản xuất kinh doanh từ ngày 18-9 trở đi cần phải tuân thủ những gì, cần chuẩn bị những điều kiện gì. Bộ khung này là một khuôn khổ có tính pháp lý để thành phố tạo hành lang ổn định cho DN, người dân, hộ kinh doanh hoạt động kinh doanh trở lại từ thời điểm này đến cuối năm 2021 và sang năm 2022.


Các đồng chí Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy cùng Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ đến khảo sát thực trạng sản xuất theo “3 tại chỗ” của Công ty CP Thủy sản NTSF, Khu công nghiệp Thốt Nốt.

Đồng chí Lê Quang Mạnh khẳng định: Mục tiêu mở lại hoạt động sản xuất kinh doanh phải bền vững, khuyến khích các DN sản xuất, khuyến khích các công trình thi công trở lại thì phải đảm bảo duy trì từ nay đến ít nhất là cuối năm 2021 hoặc đến khi thành phố hoàn thành mục tiêu tiêm chủng toàn dân. Thành phố tập trung vaccine ưu tiên cho người lao động nhưng phải quản lý, giám sát tiêm đúng đối tượng và gắn với phương án sản xuất kinh doanh và số người trực tiếp tham gia sản xuất của DN. Phải khẳng định đây là lộ trình khôi phục lại sản xuất kinh doanh trên địa bàn toàn TP Cần Thơ, tất cả 9 quận, huyện. Đây là phương án chung cho toàn thành phố và với điều kiện mỗi một vùng khác nhau chính quyền địa phương cần quan tâm cụ thể hơn đến điều kiện sản xuất kinh doanh của DN mình. Bí thư, chủ tịch UBND các quận, huyện chỉ đạo triển khai thực hiện gắn vào điều kiện cụ thể của các DN và phải kiểm tra, giám sát tất cả các rủi ro, nguy cơ có thể có, tìm cách phối hợp, hỗ trợ kịp thời cho DN. Phương án mở cửa sản xuất cần bổ sung các giải pháp dài hạn, hoàn chỉnh và ban hành trước ngày 16-9 để triển khai thực hiện. Phương án này là khung chung cho cả thành phố, DN và người dân thực hiện.

Bài, ảnh: Minh Huyền
Theo Báo Cần Thơ





Chia sẻ bài viết:  
  In bài viết




VIDEO

Liên kết