THEO GƯƠNG BÁC – NGƯỜI TỐT, VIỆC TỐT

Tư tưởng nhân văn trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Cập nhật lúc 02:45 ngày 01/09/2022 - Số lượt xem: 394



Học sinh, sinh viên TP Cần Thơ tham quan học tập tại triển lãm ảnh 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: VTV.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi con người - tức là mọi tầng lớp Nhân dân - là động lực của cách mạng. Đồng thời, con người cũng chính là  mục tiêu, là đối tượng phục vụ của sự nghiệp cách mạng. Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định toàn bộ những việc lớn của xã hội, của cách mạng đều gắn với con người, cho nên Người viết: “Đầu tiên là công việc đối với con người1 và Người đã gạch chân hai chữ “con người” bằng mực đỏ ở bản Di chúc viết tay (tháng 5 năm 1968). Tính chất nhân văn cao cả trong Di chúc của Người là sự đánh giá đúng nhân tố con người và lòng tin tưởng tuyệt đối của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào sức mạnh của Nhân dân: "Nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, Nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng. Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của Nhân dân"2.

Tư tưởng nhân văn trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tình yêu thương đối với tất cả mọi tầng lớp người trong xã hội, từ các cháu thiếu nhi, các thanh niên, phụ nữ đến các cụ già. Điều đó đã dẫn Người đến lý tưởng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội và tập trung là giải phóng con người, để mang các giá trị chân chính của con người trả lại cho người.                                                                                                      

Người căn dặn là phải luôn quan tâm đến lợi ích của con người bao gồm lợi ích vật chất và lợi ích tinh thần. Trong Di chúc, Người đã viết: "Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình..., Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần "tự lực cảnh sinh"... Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương… phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ đói rét"3. Đối với phụ nữ, Người nhấn mạnh: "Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang đã góp phần xứng đáng trong chiến dấu và trong sản xuất, Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo"; “Đối với những nạn nhân của chế độ xã hội cũ… thì nhà nước phải vừa giáo dục, vừa dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp họ trở nên những người lao động lương thiện”4….  Qua đó, có thể thấy tình thương bao la của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ với các anh hùng, liệt sĩ, cán bộ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong, đối với cha mẹ, vợ con của thương binh, những gia đình có công với cách mạng, mà ngay cả đối với các nạn nhân chiến tranh, đối với những người lầm đường lạc lối, những người thiếu tu dưỡng…

Có lẽ, bao trùm nhất, quan trọng nhất trong tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh được thể hiện trong Di chúc, đó là sự quan tâm đến người cộng sản, đến Đảng. Đây thực sự là nét độc đáo trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ở nước ta xây dựng xã hội mới theo hướng lấy con người làm trung tâm, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh phải do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Lý tưởng của Đảng là chống áp bức, bóc lột, mang những giá trị chân chính của con người trả lại cho con người. Với lý tưởng tiên tiến và đạo đức cao đẹp đó, Hồ Chí Minh yêu cầu nhân cách người cộng sản phải trở thành biểu tượng trung tâm của xã hội mới. Đó là những con người biết đặt lợi ích của Đảng, của Nhân dân lên trên hết và trước hết. Đó là, những con người thắng không kiêu bại không nản, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, trung thực và dũng cảm. Đó là những con người có văn hoá, xung phong gương mẫu làm trước thiên hạ và hưởng bổng lộc sau thiên hạ, những con người phải chịu trách nhiệm trước cái đói, cái ốm, cái rét của Nhân dân, với suy nghĩ và hành động cái gì không có lợi cho Đảng, cho dân thì kiên quyết chống lại, Di chúc Người đã viết: “Mỗi đảng viên và cán bộ, phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng…phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân5.

Ngoài ra, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn quan tâm đến việc giáo dục đạo đức cách mạng cho thế hệ thanh niên, lớp người kế tục sự nghiệp cách mạng. Di chúc  khẳng định: "Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa "hồng" vừa "chuyên". Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết"6Theo lời căn dặn trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vấn đề xây dựng con người phải tuân theo sự phát triển của cuộc sống, của cách mạng, phù hợp với quy luật phát triển của lịch sử. Đó là “chiến lược trồng người”, ở việc quan tâm đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ những chủ nhân tương lai của đất nước.

Cuối Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại muôn vàn tình thương yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho thanh niên và nhi đồng. Tình thương yêu bao la của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã biến thành sức mạnh của các thế hệ người Việt Nam phấn đấu cho lý tưởng nhân văn cao cả mà Người đã đề xướng.

Qua 53 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhân dân ta đã giành những thắng lợi hết sức to lớn. Thực hiện tư tưởng nhân văn trong xây dựng con người trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn Đảng, toàn Dân, toàn Quân ta thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nhằm giải quyết một bước các công việc của con người, vì con người, vì sự phồn vinh của xã hội, hạnh phúc của mỗi cá nhân con người. Ánh sáng của tư tưởng nhân văn cao cả trong Di chúc đang tiếp tục soi sáng các mục tiêu, những bước đường của Nhân dân ta đi đến mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

ThS. Võ Thị Bích Diễm

 

---------------------------------------------------------

[1] Hồ Chí Minh Toàn tâp, NXBCTQG,  H .2011 , t. 15, tr.616.

2 Hồ Chí Minh Toàn tâp, NXBCTQG,  H .2011, t. 15, tr.612.

3 Hồ Chí Minh Toàn tâp, NXBCTQG,  H .2011, t. 15, tr.617.

4 Hồ Chí Minh Toàn tâp, NXBCTQG,  H .2011, t. 15, tr.617.

5 Hồ Chí Minh Toàn tâp, NXBCTQG,  H .2011,  t.15, tr.622.

6 Hồ Chí Minh Toàn tâp, NXBCTQG,  H .2011, t.15, tr.622.





Chia sẻ bài viết:  
  In bài viết