Văn hóa - Văn nghệ

Tiếng hát yêu đời, yêu nghề
Cập nhật lúc 02:56 ngày 16/11/2022 - Số lượt xem: 233


Vừa qua, các liên hoan, hội diễn văn nghệ của ngành Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) quận Ninh Kiều, quận Bình Thủy được tổ chức với sự phối hợp của LÐLÐ 2 quận. Ðây là hoạt động chào mừng kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Những tiết mục văn nghệ phong phú, hấp dẫn càng tô điểm tinh thần yêu đời, yêu nghề của đội ngũ làm công tác “trồng người”.

Trong 2 ngày: 12 và 13/11, Hội diễn văn nghệ ngành GD&ÐT quận Bình Thủy diễn ra sôi nổi với sự tham gia của 28 đơn vị là các trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn. Mỗi đơn vị thi diễn 3 tiết mục: đơn ca hoặc song ca, tam ca, tốp ca và trình diễn trang phục áo dài. Các chương trình có nội dung ca ngợi Ðảng, Bác Hồ, quê hương đất nước, công đoàn, mái trường, nghề giáo và nhà giáo...


Tiết mục ca múa của cụm phường An Hòa, đơn vị đoạt giải Nhất toàn đoàn tại Liên hoan tiếng hát giáo viên quận Ninh Kiều.

Những thầy cô giáo, người làm công tác giáo dục… uyển chuyển trong những điệu múa, duyên dáng bước đi trình diễn thời trang và tự tin cất cao tiếng hát yêu đời, yêu nghề. Mỗi một tiết mục, chương trình đều cho thấy sự tâm huyết và nghiêm túc của những người tham gia hội diễn. Ðặc biệt, phần thi trình diễn áo dài của các đơn vị đều được đầu tư chỉn chu và thuyết minh chi tiết về ý nghĩa. Không chỉ áo dài nữ mà áo dài nam cũng được trình diễn, tôn vinh. Trong đó, phần thi của Trường Tiểu học Trà Nóc 2 gây ấn tượng mạnh với Ban giám khảo và khán giả vì sự đầu tư và dàn dựng công phu. Bộ sưu tập áo dài qua các thời kỳ tái hiện được những bước phát triển, sự thay đổi của trang phục truyền thống của dân tộc gắn với các giai đoạn lịch sử đất nước. Cô Lê Thị Huỳnh Giao, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trà Nóc 2, cho biết: “Chúng tôi nghiên cứu rất kỹ về áo dài; ngoài áo dài sẵn có của các cô giáo, chúng tôi thuê thêm áo dài kiểu xưa để trình diễn sao cho phong phú và phù hợp với chủ đề của chương trình”.

Tinh thần nhiệt tình, hết mình cho cuộc thi cũng được các giáo viên, công chức, người lao động ngành Giáo dục quận Ninh Kiều phát huy trong Liên hoan tiếng hát giáo viên quận Ninh Kiều tổ chức vào ngày 13-11. Do trên địa bàn có nhiều trường nên quận Ninh Kiều tổ chức thi theo cụm phường. Các trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn một phường thành lập một đội dự thi. Tổng cộng có 11 đội của 11 phường tham gia. Mỗi đội thi diễn 4 tiết mục: đơn ca, song ca hoặc tam ca, tốp ca và múa. Mỗi chương trình có thời lượng không quá 30 phút và Ban tổ chức khuyến khích các tiết mục dân ca, sử ca, ca ngợi ngành nghề.

Khán giả được dịp thưởng thức hàng loạt các tiết mục hát, múa ca ngợi Ðảng, Bác Hồ, quê hương đất nước, truyền thống cách mạng, ngành Giáo dục, người thầy... được đầu tư công phu, dàn dựng quy mô và chất lượng. Trong đó, có những ca khúc quen thuộc về nghề giáo, như: “Bài ca người giáo viên nhân dân”, “Người thầy”, “Bài học đầu tiên”, “Yêu người bao nhiêu yêu nghề bấy nhiêu”, “Bụi phấn”… Bên cạnh còn có những tiết mục hát, múa chủ đề về dịch COVID-19 tôn vinh những y bác sĩ, lực lượng tuyến đầu cùng tinh thần đoàn kết của nhân dân vượt qua đại dịch. Cô Thạch Thị Ngọc Trang, giáo viên Trường Mầm Non Thanh Xuân thể hiện ca khúc “Mình về quê” của nhạc sĩ Thế Long, tâm sự: “Tôi tham gia nhiều liên hoan tiếng hát giáo viên rồi và cũng đạt giải. Nhưng mỗi lần là một cảm xúc khác nhau, học được những điều hay, mới. Lần này, thể hiện ca khúc có chủ đề về dịch COVID-19, tôi càng xúc động hơn vì mình đã trải qua thời kỳ đó, cảm nhận mọi thứ một cách thực tế nên khi thể hiện hòa quyện được với tinh thần của bài hát hơn”. Nhiều đơn vị còn có sự đổi mới, sáng tạo khi chú ý khai thác nét đẹp văn hóa dân gian, văn hóa các dân tộc, mang lại những tiết mục đặc sắc, ấn tượng.

Ðể có được những chương trình hay và cuốn hút, các đội dự thi đã có sự chuẩn bị chu đáo, đầu tư kỹ càng về nội dung, trang phục, đạo cụ, múa minh họa… Trên hết là tinh thần vượt khó, đoàn kết trong tập luyện, dàn dựng chương trình. Cô Phạm Thị Mỹ Anh, Chủ tịch Công đoàn Trường Tiểu học Võ Trường Toản, Cụm trưởng cụm phường An Hòa, đơn vị đoạt giải Nhất toàn đoàn, chia sẻ: “Nhờ Ban giám hiệu các trường tạo điều kiện cho các thầy cô tham gia, mọi người đều có tinh thần trách nhiệm cao và cố gắng thu xếp thời gian, công việc để tập luyện. Chúng tôi đã nỗ lực hết mình và đạt được kết quả tuyệt vời. Ðây là sân chơi bổ ích của ngành Giáo dục nên được tham gia, cống hiến và lan tỏa năng lượng tích cực, ai cũng vui”.

Theo đánh giá của các Ban giám khảo, nội dung thi diễn của các đội phong phú, hấp dẫn và có sự đầu tư chỉn chu. Các chương trình có sự đồng đều về chất lượng, nhiều đơn vị sáng tạo trong dàn dựng, mang đến những tiết mục hay đầy tính nghệ thuật. Các liên hoan, hội diễn văn nghệ đã góp phần cổ vũ, phát huy những thành tích và hiệu quả phong trào văn nghệ quần chúng của ngành GD&ÐT.

Bài, ảnh: Lệ Thu





Chia sẻ bài viết:  
  In bài viết




Liên kết