KHOA GIÁO

Phát huy nghiên cứu khoa học trong học sinh trung học
Cập nhật lúc 02:14 ngày 20/01/2023 - Số lượt xem: 453

Phát huy nghiên cứu khoa học trong học sinh trung học


Kể từ lần đầu tiên Sở Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) TP Cần Thơ tổ chức Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp thành phố học sinh trung học (cuộc thi) vào năm 2014, đến nay cuộc thi đã trở thành sân chơi trí tuệ, khơi dậy khả năng sáng tạo, niềm đam mê nghiên cứu khoa học của học sinh. Năm nay, có 6 dự án đoạt giải Nhất và đều mang tính ứng dụng cao. 

https://baocantho.com.vn/image/fckeditor/upload/2023/20230115/images/DSC06881.jpg

Nhóm tác giả của dự án “Những giải pháp nhằm lan tỏa sự hứng thú với môn Lịch sử dành cho học sinh Trường THPT Thới Long”, đạt giải Nhất cấp thành phố. 

Tại cuộc thi vừa được tổ chức năm nay, có 2 dự án được chọn dự thi cấp quốc gia. Trong đó, dự án “Những giải pháp nhằm lan tỏa sự hứng thú với môn Lịch sử dành cho học sinh Trường THPT Thới Long” của Nguyễn Thanh Thành và Trần Thị Như Ý, học sinh Trường THPT Thới Long, đã bắt đúng vấn đề thời sự hiện nay là môn Lịch sử chưa được nhiều học sinh yêu thích, trong khi môn học này có vai trò quan trọng trong giáo dục lý tưởng sống, lòng tự hào dân tộc.

Theo nhóm tác giả, năm học 2022-2023 là năm đầu tiên áp dụng Chương trình Giáo dục phổ thông mới đối với khối lớp 10, với Lịch sử là môn học bắt buộc. Bên cạnh đó, khi chọn học chuyên đề, tại Trường THPT Thới Long, chỉ có 84/432 (tức 19,44%) học sinh khối 10 chọn chuyên đề môn Lịch sử. Bên cạnh đó, có lớp 10 ban đầu đăng ký chuyên đề Lịch sử nhưng sau vài tuần, đã chuyển sang chuyên đề Kinh tế và pháp luật. Thế nên, nếu Lịch sử vẫn còn là môn tự chọn, thì sẽ có bao nhiêu học sinh tự nguyện lựa chọn môn học này? Trần Thị Như Ý, thành viên của nhóm, cho biết: "Xuất phát từ thực trạng này, các bạn trong nhóm đã tìm tòi, nghiên cứu và cho ra đời dự án trên; qua đó góp phần thay đổi nhận thức về môn Lịch sử và giúp học sinh tìm thấy niềm say mê khi tiếp nhận kiến thức từ môn học này".

Nhóm tác giả đã phân công cụ thể từng thành viên khi thực hiện dự án. Thanh Thành phụ trách thành lập website; Như Ý khảo sát và thống kê số liệu; đồng thời nhờ sự hỗ trợ từ các quản trị viên quản lý câu lạc bộ tại Fanpage... Thanh Thành cho biết trong quá trình thực hiện dự án, nhóm đưa ra nhiều giải pháp, nhưng “gom” lại thành 3 nhóm giải pháp chính: Giải pháp hỗ trợ học tập và tác động đến nhận thức của học sinh; giải pháp giúp học sinh đổi mới phương pháp học tập, tăng cường khả năng tự học; giải pháp phối hợp. Ở mỗi giải pháp có nhiều phương án như thành lập Câu lạc bộ Sử học, thành lập trang Fanpage, lập website hỗ trợ học tập cho học sinh trường THPT Thới Long… Ở giải pháp phối hợp, nhóm xây dựng 3 sự phối hợp với Ðoàn - Hội, với giáo viên dạy Lịch sử và tổ chức hội thảo. Trong đó việc phối hợp tổ chức hội thảo, dù chỉ nghe báo cáo, nhưng đa số học sinh rất hứng thú với những giải pháp mà nhóm nghiên cứu đã thực hiện. Sau buổi hội thảo, nhóm đã tiến hành khảo sát trên 78 học sinh tham dự và kết quả có 67,9% học sinh cảm nhận thú vị và bổ ích; có 25,6% học sinh rất yêu thích học môn Lịch sử, có 46,1% học sinh yêu thích. Ðặc biệt, có 94,8% học sinh ủng hộ dự án “Giải pháp nhằm lan tỏa hứng thú học tập môn Lịch sử ở trường THPT Thới Long”. Qua cuộc thi, Như Ý và Thanh Thành cho biết đã học được nhiều kỹ năng rất có ích trong quá trình học tập như làm việc nhóm, giao tiếp, giải quyết vấn đề, phản biện, hùng biện… Nhóm sẽ tiếp tục cải thiện phần thiếu sót, góp ý từ ban giám khảo để dự thi đạt kết quả tốt nhất.

Thầy Nguyễn Phan Minh Ðăng, Hiệu trưởng Trường THPT Thới Long, cho biết: "Năm nay, trường có 5/5 dự án đạt giải cấp thành phố. Ðể có được kết quả cao trong cuộc thi, trường đã tổ chức cuộc thi cấp trường; sau đó những đề tài vào cuộc thi cấp thành phố được tất cả giáo viên hỗ trợ các em. Ðồng thời, trường tạo mọi điều kiện tinh thần, thời gian, vật chất để học sinh định hướng phương pháp nghiên cứu đạt hiệu quả cao". Bên cạnh đó, các dự án đạt giải năm nay cũng được ban tổ chức đánh giá cao về tính mới, khả năng ứng dụng trong thực tế… Ðơn cử như các dự án: “Phần mềm NVN - Sắc màu Anh ngữ kỳ thú cho học sinh bậc THCS” của học sinh Trường THPT Chuyên Lý Tự Trọng; dự án “Máy sấy năng lượng mặt trời thông minh” của học sinh Trường THCS&THPT Trường Xuân; dự án “SMART CHAIR” của Trường THPT Phan Văn Trị…

Ðại diện Ban Giám khảo cuộc thi, TS Lê Văn Nhương, Phó trưởng Khoa Sư phạm, Trường Ðại học Cần Thơ, đánh giá: So với năm trước, số lượng đề tài năm nay tăng nhiều, lĩnh vực nghiên cứu đa dạng, phong phú; nhất là ở khối xã hội hành vi. Một số đề tài có thể ứng dụng trong quá trình thực nghiệm sản phẩm. Tuy nhiên, hạn chế của một số đề tài, ví dụ như ở khối khoa học hành vi, là các em chưa xác định được đối tượng nghiên cứu, làm ảnh hưởng đến xây dựng các số liệu để chứng minh cho kết quả nghiên cứu. Khối đề tài Hóa - Hóa sinh, những sản phẩm cần chiết xuất và kiểm nghiệm, thì chưa có kiểm nghiệm của Bộ Y tế, làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. TS Lê Văn Nhương chia sẻ: “Một số học sinh trình bày chưa tự tin, nên việc đánh giá đề tài bị giảm sút. Các trường cần tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các em luyện tập nói chuyện trước đám đông, có những kỹ năng cần thiết khi thuyết trình; hoặc tạo điều kiện kiểm nghiệm sản phẩm đề tài thuyết phục, đạt kết quả cao hơn”. 

Ông Nguyễn Phúc Tăng, Phó Giám đốc Sở GD&ÐT TP Cần Thơ, cho biết: Cuộc thi đã khơi dậy niềm đam mê, hứng thú học tập, nghiên cứu khoa học gắn với thực tiễn, phục vụ, nâng cao chất lượng cuộc sống; góp phần tích cực vào việc đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng phát huy năng lực người học, hình thành phương pháp học tập hiệu quả. Qua nhiều năm triển khai, cuộc thi đã góp phần rất lớn vào việc đổi mới giáo dục và đào tạo, thực hiện tốt phương châm giáo dục “học đi đôi với hành”, đồng thời tạo tiền đề vững chắc trong việc triển khai thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018 đạt hiệu quả.

Bài, ảnh: Phúc Khang





Chia sẻ bài viết:  
  In bài viết