KHOA GIÁO

Cần Thơ tìm giải pháp quản lý chất thải rắn hướng tới nền kinh tế tuần hoàn
Cập nhật lúc 02:53 ngày 20/11/2022 - Số lượt xem: 468


Ngày 18/11, tại Trường Đại học Cần Thơ, Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu Trường Đại học Cần Thơ phối hợp cùng Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố và Viện Friedrich Naumann Foundation (FNF/Đức) tại Việt Nam Hội thảo quốc tế với chủ đề “Quản lý chất thải rắn hướng tới nền kinh tế tuần hoàn”.


GS.TS. Andreas Stoffers - Giám đốc Quốc gia của Viện FNF tại Việt Nam - tin tưởng hội thảo sẽ tạo động lực đáng kể để tiếp tục phát triển kinh tế xanh của Cần Thơ.

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà quản lý tập trung phân tích thực trạng quản lý chất thải rắn tại TP Cần Thơ và đồng bằng sông Cửu Long, kinh tế tuần hoàn và các chính sách liên quan đến quản lý chất thải rắn, vai trò của thanh niên trong kinh tế tuần hoàn dưới tác động của biến đổi khí hậu… Bên cạnh đó, hội thảo cũng đề cập đến các khía cạnh của quản lý rác thải thông minh thông qua các ứng dụng phần mềm; ý tưởng khởi nghiệp cũng như các sinh kế từ rác thải nông nghiệp…

Phát biểu tại hội thảo, GS.TS. Andreas Stoffers - Giám đốc Quốc gia của Viện FNF tại Việt Nam - đánh giá cao sự hợp tác chặt chẽ của FNF tại Việt Nam với Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu Trường Đại học Cần Thơ, đồng thời tin tưởng hội thảo sẽ tạo động lực đáng kể để tiếp tục phát triển kinh tế xanh của Cần Thơ.

Trong khi đó, bà Trần Lê Mộng Châu - Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP Cần Thơ - cũng kỳ vọng hội thảo sẽ giúp các đối tác, nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước tìm kiếm các giải pháp, công nghệ xử lý chất thải rắn thân thiện môi trường ở các đô thị, hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững cho TP Cần Thơ.


PGS.TS Văn Phạm Đăng Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu Trường Đại học Cần Thơ, phát biểu tại hội thảo.

Theo PGS.TS Văn Phạm Đăng Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu Trường Đại học Cần Thơ, hiện nay việc xử lý chất thải được xem là trong những vấn đề nan giải, không chỉ riêng ở các thành phố lớn mà còn là ở các địa phương nông thôn. Việc chôn lấp đang là giải pháp xử lý phổ biến trong các biện pháp quản lý chất thải rắn. Vấn đề đặt ra trong thời gian tới cần có những hỗ trợ nào từ khía cạnh chính sách, cơ chế cũng như kỹ thuật để việc quản lý chất thải rắn được thực hiện một cách hiệu quả và khả thi, hạn chế được những hệ lụy cho môi trường cũng các vấn đề về kinh tế - xã hội khác.

Từ kinh nghiệm thực tế của các nước trên thế giới và thực tiễn ở Việt Nam, PGS.TS Văn Phạm Đăng Trí cho rằng một trong những cách tiếp cận hiệu quả là khuyến khích sử dụng mô hình kinh tế tuần hoàn để giải quyết vấn đề chất thải. Mục đích của nền kinh tế tuần hoàn là hướng tới tái sử dụng chất thải, góp phần hiệu quả trong việc giảm thiểu ô nhiễm, sử dụng hiệu quả tài nguyên, hướng tới tăng trưởng xanh và bền vững. Cũng theo PGS.TS Văn Phạm Đăng Trí, kinh tế tuần hoàn có thể là mô hình lý tưởng cho các ngành công nghiệp, các doanh nghiệp và cá nhân hướng tới nhằm hướng đến mục tiêu phát triển bền vững và thích ứng của quốc gia.

Tin, ảnh: Thanh Xuân





Chia sẻ bài viết:  
  In bài viết