KHOA GIÁO

Hội thảo khoa học “COVID-19: Mô hình quản lý và điều trị người bệnh sau giai đoạn cấp tính”
Cập nhật lúc 02:52 ngày 18/04/2022 - Số lượt xem: 229


Ngày 14/4/2022, Ban Tuyên giáo Thành ủy phối hợp Trường Đại học Y Dược Cần Thơ tổ chức Hội thảo khoa học “COVID-19: Mô hình quản lý và điều trị người bệnh sau giai đoạn cấp tính”. Tham dự có Tiến sĩ Trần Hồng Thắm, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy; PGS, TS Nguyễn Minh Phương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y Dược Cần Thơ; PGS, TS Nguyễn Trung Kiên, Phó Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Cần Thơ; cùng với các báo cáo viên, chuyên gia và gần 600 đại biểu tham dự trực tiếp tại Hội trường và trực tuyến qua nền tảng Zoom.


TS
Trần Hồng Thắm, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy và PGS, TS Nguyễn Minh Phương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y Dược Cần Thơ tặng hoa và chứng nhận cho các báo cáo viên.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS Trần Hồng Thắm, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy đề nghị các báo cáo viên, nhà khoa học có chuyên môn sâu làm rõ các nội dung cụ thể sau: (1) Ghi nhận dữ liệu về mô hình đặc điểm các triệu chứng hậu COVID-19 trong dân số nói chung, sự khác biệt về tỉ lệ, đặc điểm của các nhóm bệnh lý, theo các đợt dịch khác nhau. (2) Đánh giá hiệu quả tiếp cận quản lý, điều trị người bệnh giai đoạn COVID-19 kéo dài, hậu COVID-19 phù hợp với các các cơ sở y tế đa khoa, vừa phân tầng điều trị vừa nối kết giữa các chuyên khoa nhằm có bước tiếp cận hợp lý cho tất cả các tuyến y tế tại Cần Thơ. (3) Tham vấn các ý kiến của các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực y tế dự phòng nhằm đưa ra những kiến thức, kỹ năng; từ đó, thiết kế, chuẩn hóa chương trình, giáo trình đào tạo cho giảng viên, học viên sau đại học, các bác sỹ và nhân viên y tế có kinh nghiệm hơn về y học dự phòng trước sự xuất hiện của nhiều chủng virus sau này. (4) Đề xuất mô hình quản lý cộng đồng đối với cơ sở y tế và khuyến cáo, hướng dẫn người dân về kiến thức tự chăm sóc sức khỏe không may mắc phải COVID-19 hoặc sau giai đoạn cấp tính.


Chủ tọa điều hành
thảo luận.

Tại Hội thảo các đại biểu được nghe 07 báo cáo tham luận của các chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước về các vấn đề như: Y học chính xác trong tiên lượng, điều trị hậu COVID-19 của GS Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Y tế, Đại học Công nghệ Sydney, Úc; chẩn đoán và mô hình tiếp cận quản lý và điều trị COVID-19 kéo dài và hậu COVID-19 tại Việt nam được trình bày bởi GS. TSKH. BS. Dương Quý Sỹ (trực tiếp) - FCCP, Cố vấn Y khoa Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Đại học Y khoa Penn State - USA, Chủ tịch Hội Y học Giấc ngủ Việt Nam - VSSM, Phó Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam - VNRS; việc Quản lý người bệnh hậu COVID-19 trong hệ thống y tế Mỹ  do cáo viên: Huynh Wynn Tran - D.P.D., M.Sc. American Fellowship Trained, Board Certified Physician United Kingdom Masters Qualified Dermatologic Specialist Assistant Clinical Professor of Medicine, trình bày qua nền tảng Zoom; các báo cáo chuyên sâu về hậu COVID-19 liên quan đến suy giảm sức khỏe người bệnh tại Cần Thơ, ảnh hưởng đến hệ tim mạch, ảnh hưởng đến trẻ em… Đồng thời, tại Hội thảo cũng được nghe 08 ý kiến thảo luận trực tiếp, với nhiều câu hỏi hay dành cho các báo cáo viên, các nhà khoa học có chuyên môn sâu liên quan đến việc điều trị bệnh nhân giai đoạn hậu COVID-19.

Theo nhiều nghiên cứu cho thấy, có hơn 80% người bệnh sau giai đoạn cấp tính của bệnh COVID-19 xuất hiện các triệu chứng dai dẳng như mệt mỏi, giảm khả năng gắng sức, mất ngủ, thay đổi/mất nhận biết mùi vị, lo lắng, trầm cảm, khó thở, đau ngực, hồi hộp... Các vấn đề sức khoẻ này gây giảm chất lượng cuộc sống, giảm khả năng tái hoà nhập vào cuộc sống, vào công việc của người bệnh hậu COVID-19. Để có thể giải quyết số lượng người bệnh với biểu hiện các triệu chứng đa dạng ở nhiều cơ quan với nhiều mức độ nghiêm trọng khác nhau, cần thiết phải xem sức khoẻ của người hậu COVID-19 là một vấn đề chăm sóc y tế trong tương lai. Bên cạnh đó, việc gia tăng nhu cầu tư vấn và tìm kiếm các cơ sở điều trị tâm lý, giảm nhẹ cũng như điều trị chuyên khoa các các vấn đề bệnh lý về tim mạch, hô hấp do tác động của bệnh COVID-19 đòi hỏi cơ sở y tế thành lập hoặc tổ chức bệnh viện chuyên môn sâu phục vụ thăm khám, hướng dẫn điều trị bệnh lý liên quan đến hậu COVID-19. Kết quả nghiên cứu của các chuyên gia, nhà khoa học cho thấy ở nhiều nước trên thế giới và một số tỉnh, thành tại Việt Nam, đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng các mô hình phòng khám với các bác sĩ từ nhiều chuyên ngành hỗ trợ theo mô hình đánh giá toàn diện người bệnh hậu COVID-19… Đồng thời, do quy mô và diễn biến của dịch COVID-19 chưa kết thúc, việc đánh giá tình hình bệnh tật và gánh nặng bệnh tật của bệnh nhân hậu COVID-19 chưa được hiểu biết đúng mức; bên cạnh đó, hậu quả lâu dài sau khi nhiễm SARS-CoV-2 đang trở thành gánh nặng quan trọng đối với xã hội và hệ thống y tế chăm sóc sức khỏe. Việc xây dựng và đánh giá kết quả quản lý sức khoẻ người bệnh hậu COVID-19 tại thành phố Cần Thơ là một việc cần thiết, nhằm giải quyết tốt các vấn đề về tâm lý, phục hồi chức năng, các rối loạn về thần kinh, hô hấp, tim mạch… nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm thiểu các di chứng về sau; nhu cầu về chăm sóc y tế cho người bệnh hậu COVID-19 trở thành một vấn đề sức khoẻ trong tương lai; việc phát hiện sớm, theo dõi và can thiệp điều trị người bệnh phù hợp nhằm ngăn chặn các biến chứng, giảm tử vong sau giai đoạn cấp tính cũng như sự xuất hiện các di chứng hậu COVID-19; cần thiết có sự nối kết, chung tay của các cơ sở y tế thực hiện chức năng khám chữa bệnh đa khoa các tuyến để sớm tiếp nhận và hỗ trợ người bệnh hậu COVID-19.

Từ những nội dung quan trọng qua hội thảo giúp Ngành Y tế thành phố Cần Thơ và các ngành, các cấp cùng chung tay thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân trong tình hình hiện nay và những năm tiếp theo; trên cơ sở những nội dung được gợi mở tại hội thảo cũng đặt ra một hướng mở cho các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý việc xây dựng các mô hình như: Mô hình chuẩn đoán, mô hình tiên lượng, mô hình điều trị bệnh nhân hậu COVID-19… để từ đó “tạo cơ sở xây dựng ngân hàng dữ liệu về dịch bệnh và phác đồ điều trị dịch bệnh COVID-19 ở Cần Thơ nói riêng và khu vực Tây Nam Bộ nói chung” - như đề xuất của GS Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Y tế, Đại học Công nghệ Sydney, Úc.

Tin, ảnh: Phòng Khoa giáo





Chia sẻ bài viết:  
  In bài viết