KHOA GIÁO

Tạo môi trường, hỗ trợ học sinh hình thành kỹ năng hội nhập
Cập nhật lúc 01:05 ngày 18/04/2022 - Số lượt xem: 813


Các trường học trên địa bàn TP Cần Thơ đã và đang thực hiện nhiều biện pháp giáo dục toàn diện về kiến thức, phẩm chất đến kỹ năng hội nhập quốc tế cho học sinh. 


Học sinh Trường Phổ thông Thái Bình Dương tham gia Giao lưu tình nguyện viên Việt Nam - Hàn Quốc. Ảnh: CTV

Trưởng thành cùng sân chơi khoa học ứng dụng

Từ ý tưởng sáng tạo mang ý nghĩa nhân văn là thực hiện bộ tập thể dục thể thao cho người khuyết tật trong lúc dịch bệnh COVID-19; nhóm học sinh Phan Bá Anh, Lê Minh Gia Khang, Hoàng Gia Thiên của Trường Phổ thông Thái Bình Dương đã đoạt giải thưởng hạng mục “Giá trị cốt lõi xuất sắc” tại Cuộc thi “Sân chơi Khoa học ứng dụng FIRST LEGO League (FLL)” mùa giải 2021. Em Hoàng Gia Thiên, học sinh lớp 6A, chia sẻ: “Tham gia cuộc thi, em rất vui. Thầy cô hướng dẫn giúp nhóm em vượt qua khó khăn, hoàn thành phần thi của mình. Qua cuộc thi em tự tin, nói chuyện lưu loát và học các môn học khoa học tự nhiên, tiếng Anh tốt hơn”. Năm học 2019-2020, nhóm Gia Thiên đoạt giải Vô địch. 

FLL là sân chơi thường niên dành cho học sinh đam mê khoa học kỹ thuật, sáng tạo với những mô hình robot từ những viên gạch LEGO để giải quyết các vấn đề của cuộc sống hàng ngày. FLL được tổ chức dựa trên format cuộc thi FLL tại Mỹ, các thành viên trong đội làm việc cùng nhau, học hỏi và trưởng thành. Thầy Bùi Thanh Duy, Tổ trưởng Tổ Khoa học kỹ thuật - STEM Robotics, Trường Phổ thông Thái Bình Dương, cho biết: Qua cuộc thi, học sinh được phát triển các kỹ năng giao tiếp, biết cách giải quyết vấn đề một cách logic… Trong quá trình thi, học sinh sử dụng 2 ngôn ngữ (tiếng Việt và tiếng Anh) cho phần thuyết trình.

Tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp thành phố học sinh trung học năm học 2021-2022 được tổ chức vào tháng 1-2022, thành phố có 206 dự án của học sinh ở các trường trung học tham gia, với 22 lĩnh vực, ví dụ như: Hóa học, Kỹ thuật điện và cơ khí, Khoa học môi trường, Khoa học máy tính... Kết quả có 102/206 dự án đạt giải. Theo đánh giá của ban giám khảo, nhiều dự án thể hiện sự đầu tư công phu, có nhiều sáng tạo, có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn. Đặc biệt là giải quyết các vấn đề có tính thời sự, cho thấy thành quả của quá trình dạy học STEM trong trường trung học. Học sinh đã vận dụng tốt các kiến thức được học trong nhà trường, biết tìm kiếm thông tin từ nhiều nguồn khác nhau để chế tạo sản phẩm phong phú, đa dạng.

Điển hình như dự án "Nghiên cứu làm giảm độc tính trên gan và khảo sát hoạt tính mới của axit Usnic được chiết xuất từ địa y" của em Nguyễn Ngọc Thùy Linh và Nguyễn Dương Hoàng Anh (học sinh lớp 11 Trường THPT Châu Văn Liêm), đạt giải Nhất cấp thành phố. Em Nguyễn Dương Hoàng Anh cho biết nhóm đã dành nhiều thời gian tìm nguồn tài liệu do Việt Nam nghiên cứu và tài liệu nước ngoài, để so sánh đặc tính, phát triển đề tài. Giáo viên hướng dẫn đã gợi ý, hỗ trợ nhóm tìm kiếm tài liệu sao cho hiệu quả nhất. "Thực hiện đề tài này, em tâm đắc nhất là ý tưởng, sản phẩm được lấy từ Việt Nam. Tham gia cuộc thi, em được mở rộng mối quan hệ bạn bè, ứng xử, giao tiếp tốt hơn trước đám đông”, Hoàng Anh nói.

Nghiên cứu khoa học, kỹ thuật là một hoạt động trải nghiệm bổ ích, gắn liền lý thuyết với thực hành để giải quyết các vấn đề từ thực tiễn cuộc sống. Việc đẩy mạnh nghiên cứu khoa học tại nhà trường tạo môi trường để học sinh nuôi dưỡng các ý tưởng, khơi dậy tiềm năng, phát huy tính sáng tạo, hình thành các kỹ năng hội nhập.

Đa dạng hoạt động trải nghiệm


Học sinh Nguyễn Ngọc Thùy Linh và Nguyễn Dương Hoàng Anh, Trường THPT Châu Văn Liêm, tại phòng thí nghiệm. Ảnh: B.NG.

Để giúp học sinh rèn luyện kỹ năng mềm và ngoại ngữ, nhiều trường học ở TP Cần Thơ đã đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục, đa dạng các hình thức dạy và học tiếng Anh thông qua hoạt động trải nghiệm trong và ngoài trường học; tạo điều kiện học sinh tham dự các cuộc thi.

Tại Trường Phổ thông Thái Bình Dương, bên cạnh việc giảng dạy theo chương trình theo chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trường còn đầu tư nguồn lực để giảng dạy song song với chương trình tiếng Anh quốc tế “Five-star English” (Chương trình Anh ngữ 5 sao thuộc thương hiệu của Tập đoàn giáo dục quốc tế Atlantic hiện được trường hợp tác giảng dạy chính thức) theo chuẩn Cambridge. Với chương trình này, trường đào tạo theo lộ trình học khép kín từ lớp 1 đến lớp 12 với phương pháp giảng dạy và giáo trình phù hợp với từng cấp học, cam kết đầu ra thông qua hệ thống đánh giá trong suốt lộ trình, tích hợp các kỳ thi thử và thi chính thức Cambridge/IELTS tại mỗi cấp học…

Cô Trần Việt Thi, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Thái Bình Dương, cho biết: Trường phát triển học sinh hướng đến “công dân toàn cầu”. Bên cạnh tiếng Anh, trường đưa chương trình STEM Robotics thành bộ môn giảng dạy chính thức; từ đó khơi gợi niềm đam mê khoa học, tạo cơ hội cho học sinh có nhiều cơ hội tham gia các kỳ thi Robotacon cấp thành phố, quốc gia và quốc tế. Nhà trường còn tổ chức định kỳ hoạt động trải nghiệm khu du lịch sinh thái, khuyến khích học sinh sử dụng tiếng Anh. Em Lê Thành An, học sinh lớp 9A1, cho biết: “Trường tổ chức cho chúng em đi trải nghiệm cùng với giáo viên nước ngoài tham quan các khu di tích lịch sử, khu du lịch và sử dụng tiếng Anh. Các hoạt động này giúp chúng em phát triển kỹ năng ngôn ngữ ở cả tiếng Việt và tiếng Anh, tạo nền tảng giúp em có thể chuẩn bị tốt cho việc du học sắp tới”. 

Tại Trường THPT FPT Cần Thơ, chương trình đào tạo được thiết kế theo phương châm lấy học sinh làm trung tâm nhằm phát triển toàn diện học sinh. Học sinh làm việc nhóm cùng nhau tìm hiểu chủ đề của môn học, kiểm tra bằng các hình thức như diễn kịch, làm dự án, sản phẩm... Theo Ban giám hiệu nhà trường, trong chương trình đào tạo chú trọng tăng cường tiếng Anh và Tin học. Môn tiếng Anh, trường sử dụng giáo trình Pathways của National Geographic Learning. Pathways hướng tới mục tiêu chuẩn bị cho học sinh sử dụng tiếng Anh làm việc hiệu quả trong môi trường học thuật, đồng thời, có thể tham gia các bài kiểm tra quốc tế như TOEFL và IELTS. Ở môn Tin học, trường sử dụng bộ tài liệu Computer Science của Cambridge IGCSE cho cả ba năm học. Chương trình gồm các nội dung thuộc lĩnh vực công nghệ mới nhất bằng 100% tiếng Anh. Qua đó, học sinh có thể học, tìm hiểu thêm về các thuật ngữ chuyên ngành của Khoa học Máy tính, rèn luyện kỹ năng tiếng Anh để hỗ trợ cho việc học IELTS.

Trong khi đó, nét nổi bật dạy và học Tiếng Anh tại Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa là tạo môi trường cho học sinh rèn luyện ngôn ngữ tích cực, sáng tạo, qua việc tổ chức các hoạt động như: Góc đọc Tiếng Anh (Reading Corner); thi làm video clip: “We Are Tour Guides” giới thiệu về Cần Thơ; tổ chức chương trình Rung Chuông vàng trong tháng Ngoại ngữ, nhằm tạo ra một sân chơi lành mạnh, bổ ích cho học sinh rèn luyện ngôn ngữ... Tại Trường THPT Chuyên Lý Tự Trọng, ngoài các câu lạc bộ học thuật ở các môn học (trong đó có tiếng Anh, tiếng Pháp), trường còn có phòng "Không gian Pháp", đây là nơi học sinh tìm sách, tài liệu, tranh ảnh tiếng Pháp để nghiên cứu, tự trau dồi ngôn ngữ thứ 2. Trường được Viện Pháp tại Việt Nam gắn biển "Label France Education" (công nhận trường xuất sắc trong giảng dạy song ngữ tiếng Pháp).

* * *

Nghị quyết 59 của Bộ Chính trị “Về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” xác định vai trò quan trọng của các giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của thành phố. Cụ thể, Ðề án số 09-ÐA/TU của Thành ủy Cần Thơ về giáo dục thông minh và học tập suốt đời, trọng tâm là học ngoại ngữ giai đoạn 2021-2030, đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 sẽ có 100% cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, giảng viên được tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng số, giảng dạy trực tuyến và kỹ năng giáo dục STEM; 30% trẻ mầm non được làm quen với tiếng Anh hoặc 1 ngoại ngữ khác (tiếng Pháp, tiếng Hoa, tiếng Nhật hoặc tiếng Hàn), 60% học sinh tiểu học được học tiếng Anh tự chọn, 60% các trường THCS, THPT triển khai dạy học tự chọn ngoại ngữ 2… Bên cạnh đó, hiện cả nước nói chung, TP Cần Thơ nói riêng đang thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới được xây dựng theo định hướng tiếp cận năng lực, phù hợp với xu thế phát triển chương trình của các nước tiên tiến. Nhiều năm qua, TP Cần Thơ luôn duy trì chính sách đa ngôn ngữ trong giảng dạy ngoại ngữ ở các trường phổ thông. Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ đã tích cực nâng cao hiệu quả giảng dạy ngoại ngữ; đẩy mạnh việc hợp tác, giao lưu quốc tế,... Ở mỗi trường, tùy từng trường cũng có những hoạt động thiết thực, tạo môi trường học thuật giúp học sinh trải nghiệm, năng cao năng lực ngoại ngữ, kỹ năng mềm. Những nỗ lực này góp phần đào tạo nguồn lực có chất lượng phục vụ phát triển và hội nhập của thành phố.

B.Kiên





Chia sẻ bài viết:  
  In bài viết