KINH TẾ

Mekong Connect 2022 tại Cần Thơ: Chủ động liên kết, tạo động lực tăng trưởng mạnh mẽ vùng đồng bằng sông Cửu Long
Cập nhật lúc 07:55 ngày 28/11/2022 - Số lượt xem: 438


Ngày 24/11, tại TP Cần Thơ diễn ra Diễn đàn Mekong Connect 2022 với Chủ đề “Chủ động nâng chất lượng liên kết, tích hợp để phát triển bền vững”, do các tỉnh, thành trong Mạng lưới liên kết ABCD Mekong (An Giang - Bến Tre - Cần Thơ - Đồng Tháp), TP. Hồ Chí Minh và Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức.


Các đại biểu tham quan gian hàng của TP Hồ Chí Minh. Ảnh: N.H.

Tham dự diễn đàn có các đồng chí: Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; ông Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Lê Quang Mạnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ; Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố; Trần Việt Trường, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ; lãnh đạo một số Bộ, ngành Trung ương, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng ĐBSCL, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao…

Diễn đàn Mekong Connect 2022 là hoạt động thường niên dành cho doanh nhân, doanh nông, nông dân, nhà quản lý, chuyên gia… và các đối tượng có mối quan tâm đặc biệt đến ĐBSCL với mục tiêu gắn kết, kết nối giữa các địa phương An Giang - Bến Tre - Đồng Tháp - Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh.

Diễn đàn cũng là dịp thúc đẩy mối quan hệ hợp tác toàn diện về kinh tế - xã hội giữa các tỉnh, thành phố: TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, An Giang, Bến Tre, Đồng Tháp; Câu lạc bộ doanh nghiệp dẫn đầu, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao; tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp cận và nắm bắt các cơ hội, thách thức khi tham gia thị trường quốc tế và tăng cường liên kết, hợp tác để nâng cao lợi thế cạnh tranh, xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp.


Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, tin tưởng diễn đàn sẽ góp phần tạo động lực quan trọng giúp khơi thông những “điểm nghẽn”, tạo động lực tăng trưởng mạnh mẽ để phát triển vùng ĐBSCL.Ành: TX.

Phát biểu tại diễn đàn, đồng chí Trần Thanh Mẫn - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh: Vùng ĐBSCL được đánh giá có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển; là một trong những đồng bằng lớn nhất, phì nhiêu nhất ở Đông Nam Á và thế giới; sản xuất và xuất khẩu lương thực, thực phẩm, thuỷ hải sản và trái cây lớn nhất của cả nước; đóng góp khoảng 50% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu, gần 65% sản lượng thuỷ sản nuôi trồng, 60% lượng cá xuất khẩu và gần 70% các loại trái cây của cả nước. Đặc biệt, thời gian qua Nhà nước đã và đang tiếp tục đầu tư một số tuyến cao tốc như: Trung lương - Mỹ Thuận; Mỹ Thuận  - Cần Thơ; Cần Thơ - Cà Mau; An Giang - Cần Thơ - Hậu Giang - Sóc Trăng; Cầu Đại Ngãi, Cầu Mỹ Thuận 2; Cảng Cái Cui có khả năng tiếp nhận tàu 20.000 tấn…

Mặc dù được đánh giá là có nhiều thế mạnh rõ rệt, song Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng vùng ĐBSCL đã và đang đối diện nhiều thách thức lớn ở ba phương diện: kinh tế, xã hội và môi trường. Đó là nền nông nghiệp của vùng chậm hiện đại hóa, nguồn vốn đầu tư hạn chế; kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ; tình trạng di cư, sự chênh lệch về mức sống và cơ hội việc làm dẫn đến luồng di cư từ vùng lên các đô thị và khu công nghiệp ở vùng TP. Hồ Chí Minh, tỷ lệ hộ nghèo thấp hơn mức bình quân của cả nước, nguồn nhân lực chất lượng cao để tiếp cận khoa học công nghệ còn thấp. Bên cạnh đó, các công trình thủy điện thượng nguồn làm giảm đáng kể lượng phù sa và cát do bị các hồ chứa giữ lại. Hệ quả là gây ra sạt lở bờ sông và làm đất bạc màu, nước mặn từ biển xâm lấn làm hơn một nửa diện tích tự nhiên bị nhiễm mặn…

Đồng chí Trần Thanh Mẫn kỳ vọng từ những kết quả nổi bật của vùng, sự quan tâm chỉ đạo phát triển, triển khai hạ tầng đã và đang được Trung ương quan tâm, sự chủ động liên kết, kết nối của các địa phương; đặc biệt, thông qua diễn đàn này sẽ góp phần tạo động lực quan trọng tiếp tục hoàn thiện về mặt thể chế giúp khơi thông những “điểm nghẽn” tạo động lực tăng trưởng mạnh mẽ để phát triển vùng ĐBSCL toàn diện theo hướng sinh thái, bền vững, mang bản sắc sông nước trong bối cảnh mới. Đồng chí Trần Thanh Mẫn cũng mong muốn trong thời gian tới, diễn đàn sẽ tiếp tục mở rộng nhiều địa phương tham gia hơn để phát huy tinh thần liên kết cùng phát triển, liên kết tạo nên thịnh vượng.


Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường phát biểu tại diễn đàn. Ành: TX.

Theo đồng chí Trần Việt Trường, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, với định hướng phát triển, Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định mục tiêu phát triển không xa rời việc liên kết, hợp tác với các địa phương trong vùng. Để thực hiện đạt được các mục tiêu xây dựng và phát triển TP. Cần Thơ mà Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra, theo đồng chí Trần Việt Trường, ngoài sự phấn đấu nỗ lực của TP. Cần Thơ đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ của các tỉnh trong khu vực ĐBSCL và sự hỗ trợ của các tỉnh, thành bạn, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh. Do vậy, diễn đàn này mang ý nghĩa hết sức tích cực, vừa là hoạt động thường niên nhưng cũng vừa là cơ hội để chia sẻ, thấu hiểu, gắn kết cùng xây dựng mối liên kết bền vững giúp nhau cùng phát triển.

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ kỳ vọng qua diễn đàn, các địa phương, doanh nghiệp sẽ có được thật nhiều thông tin hữu ích, hỗ trợ quá trình phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới, có nhiều kết nối hợp tác được thiết lập, tận dụng tối đa các cơ hội do hội nhập mang lại.

Ngoài các phiên thảo luận quan trọng, trong khuôn khổ diễn đàn còn diễn ra nhiều hoạt động điểm nhấn như: Ngày hội khởi nghiệp - Phiên chợ khởi nghiệp xanh; trao chứng nhận hàng Việt Nam chất lượng cao - Chuẩn hội nhập cho 12  doanh nghiệp; ký kết các thỏa thuận hợp tác…

Tin, ảnh: Thanh Xuân





Chia sẻ bài viết:  
  In bài viết