KINH TẾ

Khởi công dự án đường vành đai phía Tây TP Cần Thơ
Cập nhật lúc 02:27 ngày 20/11/2022 - Số lượt xem: 580


Ngày 17/11, UBND TP Cần Thơ long trọng tổ chức Lễ khởi công các gói thầu thuộc dự án đường vành đai phía Tây TP Cần Thơ (nối Quốc lộ 91 và Quốc lộ 61C).

Đến tham dự có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; ông Nguyễn Sĩ Hiệp, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; ông Nguyễn Duy Lâm, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải; ông Lê Quang Mạnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ; ông Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố; ông Trần Việt Trường, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; ông Nguyễn Trung Nhân, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Cần Thơ…


Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo TP Cần Thơ thực hiện nghi thức khởi công dự án Đường Vành đai phía Tây TP Cần Thơ.

Đây là dự án thuộc nhóm A do UBND TP Cần Thơ quyết định đầu tư và Sở Giao thông vận tải thành phố làm chủ đầu tư. Dự án được xây dựng đi qua các địa phương gồm: quận Ô Môn, quận Bình Thủy, huyện Phong Điền, quận Ninh Kiều và quận Cái Răng; tổng chiều dài đoạn tuyến khoảng 19,4km, trong đó có 24 vị trí cầu trung và nhỏ, 1 vị trí cầu lớn và các cống thoát nước theo địa hình. Tổng mức đầu tư dự án trên 3.800 tỷ đồng; trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư gần 830 tỷ, chi phí xây dựng gần 2.700 tỷ… Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương hỗ trợ địa phương và huy động các nguồn vốn khác.

Điểm đầu công trình giao với Quốc lộ 91 (tại Km20+370 Quốc lộ 91) và giao với Đường tỉnh 922; điểm cuối: Giao với Quốc lộ 61C (tại Km1+400 Quốc lộ 61C). Thời gian thực hiện dự án từ năm 2021-2026.

Tại buổi lễ, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Cần Thơ Lê Tiến Dũng cho biết, dự án nhằm hình thành trục vành đai ngoài đặc biệt quan trọng của thành phố, kết nối các tuyến giao thông quan trọng của Quốc gia và vùng ĐBSCL như Quốc lộ 91, Quốc lộ 61C, Quốc lộ 1A, tạo hệ thống giao thông liên hoàn, giúp việc vận chuyển hàng hóa, hành khách giữa thành phố với các tỉnh lân cận được thuận lợi, nhanh chóng và an toàn. Ngoài ra, dự án còn góp phần giảm ùn tắc giao thông khu vực nội ô quận Ninh Kiều, mở rộng không gian phát triển thành phố về phía Tây, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy việc xây dựng và phát triển thành phố ngày càng văn minh, hiện đại.

Bên cạnh đó, trên tuyến có xây dựng cầu Ba Láng qua sông Cần Thơ; công trình không những đảm trách vai trò cầu nối giao thông, nâng tầm mỹ quan đô thị mà còn mang ý nghĩa lịch sử to lớn trong công cuộc xây dựng và phát triển vùng đất Cần Thơ. Cùng với cầu Phong Điền đang xây dựng và cầu Vàm Xáng mới đưa vào sử dụng sẽ ngày càng khẳng định vùng đất: “Cái Răng - Ba Láng - Vàm Xáng - Phong Điền” - một vùng đất đã đi sâu trong ký ức của nhiều thế hệ người dân thành phố nói riêng và người dân miền Tây nói chung trong suốt quá trình lịch sử, hình thành và phát triển vùng đất Cần Thơ.


Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ khởi Dự án đường vành đai phía Tây TP Cần Thơ.

Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định, dự án đường vành đai phía Tây TP Cần Thơ chỉ khoảng 20km nhưng có ý nghĩa cả về kinh tế, cả về đô thị, về mỹ quan, sinh kế người dân, về không gian phát triển mới phía Tây của thành phố. Con đường chỉ gần 20km nhưng có 24 cây cầu, tạo cảnh quan sinh động, cần khai thác điểm này để phát triển du lịch, kinh tế.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng cho rằng dự án là sự kết hợp giữa Trung ương và địa phương và sự phân cấp phân quyền đi đôi với giám sát, kiểm tra, phân bổ nguồn lực và nâng cao năng lực thực thi, quản lý. Dự án này còn tạo không gian phát triển mới, một vùng đất giàu tiềm năng nhưng không có hệ thống giao thông kết nối tốt. Đặc biệt, tạo kết nối vùng đất Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Phong Điền phát triển.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị các nhà thầu, đơn vị tư vấn phải đảm bảo thi công công trình đúng tiến độ, không được kéo dài, chất lượng công trình phải đảm bảo theo quy định tiêu chuẩn, quy trình, quy định pháp luật. Đặc biệt, Thủ tướng mong muốn đây sẽ là dự án mẫu mực, tiêu biểu của sự hợp tác giữa Trung ương và địa phương, cả về nguồn vốn, lãnh đạo chỉ đạo, giám sát, kiểm tra; tạo hình mẫu cho các dự án tiếp theo.

Thủ tướng cũng bày tỏ lòng cảm ơn và đề nghị cần quan tâm đến các hộ dân đã nhường đất, nhường nơi sinh sống nhiều năm qua cho dự án; nhất là quan tâm đời sống vật chất, tinh thần, tái định cư, đảm bảo cuộc sống người dân ít nhất là bằng hoặc hơn nơi ở cũ, năm sau phải hơn năm trước. Như thế mới tạo sự tiến bộ công bằng xã hội.

Tin, ảnh: Thanh Xuân





Chia sẻ bài viết:  
  In bài viết