KINH TẾ

Công bố Báo cáo kinh tế thường niên đồng bằng sông Cửu Long năm 2022
Cập nhật lúc 08:07 ngày 01/08/2022 - Số lượt xem: 641


Ngày 01/8, tại TP Cần Thơ, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Lễ công bố Báo cáo kinh tế thường niên đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2022 (AMDER 2022). Tham dự buổi lễ có ông Nguyễn Thành Phong, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương; ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn; ông Trần Việt Trường, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ; đại diện các tổ chức quốc tế; hiệp hội doanh nghiệp, các doanh nghiệp, các nhà kinh tế, chuyên gia, nhà khoa học…


Ông Trần Việt Trường, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, phát biểu tại lễ công bố sự kiện.

Đây là công trình nghiên cứu hợp tác bởi VCCI Cần Thơ và Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright (FSPPM), với sự tham gia các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực kinh tế, chính sách, nông nghiệp, môi trường, năng lượng, giao thông, logistics… nhằm cung cấp thông tin về tình hình kinh tế ĐBSCL và những vấn đề quan trọng của vùng. Đây cũng là năm thứ hai báo cáo được thực hiện và đến nay vẫn là báo cáo kinh tế đầu tiên và duy nhất của một vùng kinh tế tại Việt Nam.

Tại lễ công bố sự kiện, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI - cho biết, báo cáo năm nay đã chỉ ra lần đầu tiên trong 2 thập kỷ qua, ĐBSCL có mức tăng trưởng kinh tế thấp hơn bình quân cả nước, với mức tăng trưởng (GRDP) vùng giảm sâu, âm -0,43% năm 2021, thấp nhất trong lịch sử phát triển của ĐBSCL. Không chỉ thế, giai đoạn 2016 - 2020 không có thay đổi đáng kể trong cơ cấu kinh tế của vùng, công nghiệp và thương mại dịch vụ chưa đủ sức để trở thành trụ cột của nền kinh tế, đóng góp của ngành công nghiệp chế biến ngày một suy giảm trong công nghiệp chế biến chế tạo cả nước, trong khi chế biến là ngành chủ lực của vùng. Về môi trường kinh doanh, chất lượng điều hành vốn là thế mạnh của vùng trong nhiều năm qua, nay đã suy giảm so với các vùng kinh tế khác, trong đó chỉ số đào tạo lao động, gia nhập thị trường, tính minh bạch là khá yếu. Bên cạnh đó, các nguồn vốn huy động từ tín dụng, thu hút FDI vẫn còn thấp so với tiềm năng.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Tấn Công, báo cáo cũng cho thấy những điểm sáng về kinh tế. Đó là tuy chỉ chiếm 7% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước nhưng ĐBSCL là vùng đóng góp nhiều nhất vào thặng dư thương mại của quốc gia (năm 2020 xuất siêu 9,4 tỷ USD, năm 2021 xuất siêu hơn 8 tỷ USD). Bên cạnh đó, nông nghiệp ĐBSCL khẳng định được năng lực cạnh tranh của mình. Báo cáo cho thấy giai đoạn 2021 - 2022 toàn vùng xuất 6,2 triệu tấn gạo, trở thành nhà xuất khẩu gạo đứng thứ hai trên thế giới, thủy sản tăng 5,56%, đạt giá trị 8.8 tỷ USD, xuất rau quả cũng tăng trưởng ổn định… Năm 2021, ĐBSCL là một trong 2 vùng duy nhất có sự gia tăng vốn đăng ký FDI, tập trung vào ngành năng lượng, khẳng định lợi thế và cơ hội lớn cho các nhà đầu tư.

Cũng theo VCCI, báo cáo được thực hiện trong bối cảnh ĐBSCL đang phải đối mặt với nhiều thách thức từ biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường… đến lựa chọn mô hình tăng trưởng khi kinh tế vùng đã phát triển đến ngưỡng. Cùng với đó, quy hoạch vùng đã được ban hành, 13 tỉnh, thành ĐBSCL đang phải thiết lập lại quy hoạch, xây dựng lại chiến lược phát triển kinh tế xã hội cấp tỉnh cho phù hợp với quy hoạch vùng, với Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến 2030, tầm nhìn đến 2045 và với thực tiễn địa phương, phải cùng nhau nhận diện các thách thức, hạn chế để tìm tiếng nói chung… Từ Báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2022, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam mong muốn gửi đến chính quyền các địa phương, các tổ chức, nhà tài trợ quốc tế, các doanh nghiệp trong và ngoài nước thông điệp: “ĐBSCL đang đứng trước cơ hội lớn để thay đổi, hãy nắm bắt cơ hội, hợp tác để phát triển nhanh nhưng phải bền vững”.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND TP Cần Thơ - đánh giá cao nỗ lực của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trong việc xây dựng Báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2022 - báo cáo vùng đầu tiên và duy nhất trên cả nước, được thực hiện hàng năm, thể hiện sự tâm huyết và trách nhiệm với vùng ĐBSCL. “Đây là tư liệu quan trọng để Cần Thơ và các tỉnh trong vùng tham khảo, làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách phát triển kinh tế trong thời gian tới”, ông Trường nhấn mạnh.

Theo ông Trần Việt Trường, báo cáo năm 2022 lựa chọn Chủ đề “Chuyển đổi mô hình phát triển và Quy hoạch tích hợp” tập trung nghiên cứu về chuyển đổi nông nghiệp, đánh giá tác động của Quy hoạch tích hợp ĐBSCL đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 bám sát với Quy hoạch tích hợp vừa qua Chính phủ phê duyệt sẽ rất hữu ích cho công tác rà soát, hoàn thiện lại Quy hoạch chi tiết của TP Cần Thơ để sớm trình Chính phủ phê duyệt.

Từ một số kết quả báo cáo đưa ra, ông Trần Việt Trường cho rằng có nhiều nội dung quan trọng mà TP Cần Thơ và các địa phương trong vùng ĐBSCL cần quan tâm giải quyết trong thời gian tới, cụ thể:

Thứ nhất, 3 thách thức quan trọng mà vùng ĐBSCL đang đối mặt, đó là: kinh tế, xã hội và môi trường. Mặc dù những thách thức này đã được đề cập thời gian qua nhưng để “phá vỡ” vòng xoáy này là một trong những mấu chốt cần có sự phối hợp chặt chẽ của các địa phương trong vùng. 

Thứ hai, nông nghiệp, duy trì mức tăng trưởng dương trong hai năm 2020 và 2021. Tuy nhiên, chỉ có ngành nông nghiệp thì không đủ sức vực dậy nền kinh tế của ĐBSCL, vì hai khu vực còn lại chiếm hơn 70% GDP của vùng. Với “nghịch lý” tốc độ tăng năng suất lao động nông nghiệp cao hơn hẳn so với công nghiệp và dịch vụ càng khẳng định điểm hạn chế rất lớn của vùng kinh tế. Trong dài hạn, nhất định tăng trưởng và thịnh vượng kinh tế không đến từ nông nghiệp mà đến từ sự chuyển đổi cơ cấu sang công nghiệp và dịch vụ. Do vậy, mọi nỗ lực tháo gỡ những nút thắt cản trở sự phát triển công nghiệp và dịch vụ của ĐBSCL là điều kiện cần thiết để phát triển.

Thứ ba, sự bùng nổ của công nghiệp chế biến nông thủy sản trong thập niên 2000 đã không tạo được sự đột phá cho kinh tế của vùng. Đóng góp của ĐBSCL cho công nghiệp chế biến - chế tạo của cả nước ngày một suy giảm. Phải có sự chuyển biến mạnh mẽ, bứt phá trong ngành công nghiệp chế biến trong thời gian tới. Quy hoạch tích hợp ĐBSCL đã xác định được không gian và phân rõ các tiểu vùng, địa phương phải tập trung cho từng lĩnh vực. Nếu triển khai đúng theo quy hoạch, thì ngành công nghiệp chế biến sẽ có cơ hội phát triển tích cực, là điều kiện đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế toàn vùng. 

Thứ tư, ĐBSCL là vùng duy nhất trong cả nước có xu hướng giảm số lượng lao động ở tất cả các năm trong giai đoạn 2017 - 2021. Về lao động, chênh lệch lớn về mức sống và cơ hội việc làm giữa hai vùng Đông và Tây Nam Bộ vẫn tồn tại thì làn sóng di cư ở ĐBSCL vẫn sẽ tiếp diễn. Đây là thách thức xã hội đang đặt ra, chúng ta cần giải quyết.

Với ý nghĩa, tầm quan trọng của Báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL, ông Trần Việt Trường kỳ vọng VCCI và đội ngũ chuyên gia tâm huyết tiếp tục xây dựng báo cáo định kỳ, giúp cung cấp các thông tin quan trọng, những góc nhìn thấu đáo, những khuyến nghị hết sức giá trị để đóng góp cho quá trình phát triển kinh tế ĐBSCL trong những năm tới.


Báo cáo kết quả nghiên cứu, những vấn đề chính của Báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2022.

* Chiều cùng ngày, VCCI phối hợp cùng Tổng Lãnh sự quán Úc tại TP. Hồ Chí Minh và Tổ chức Hợp tác Kỹ thuật Đức (GIZ) tổ chức Hội thảo chính sách “Phát triển ĐBSCL nhìn từ quy hoạch tích hợp” nhằm phân tích sâu hơn kết quả nghiên cứu của Báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2022, thảo luận và gợi ý những mô hình phát triển mới và những chính sách phát triển phù hợp cho ĐBSCL trong giai đoạn tới.

Tại hội thảo, các đại biểu được các chuyên gia, nhà khoa học giới thiệu về cách tiếp cận các mô hình phát triển ĐBSCL giai đoạn 2021 - 2030; các chính sách cần cho chuyển đổi năng lượng sạch vùng ĐBSCL; việc xây dựng nguồn nhân lực phù hợp với định hướng phát triển bền vững của vùng; xu hướng sử dụng lao động; nhận diện mô hình phát triển và những chính sách nhìn từ quy hoạch tích hợp; quy hoạch vùng ĐBSCL, những dự án ủng hộ từ cộng đồng quốc tế…

Tin, ảnh: Thanh Xuân





Chia sẻ bài viết:  
  In bài viết