KINH TẾ

Đồng chí Trần Việt Trường, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ: Huy động mọi nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội để thành phố vững bước tiến lên
Cập nhật lúc 04:48 ngày 16/02/2021 - Số lượt xem: 333


Nhìn lại năm qua, TP Cần Thơ gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, thiên tai... nhưng nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt bậc của toàn dân, toàn quân và cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế - xã hội (KT-XH) phục hồi và phát triển khá toàn diện. Đây là động lực tạo đà để thành phố hoàn thành tốt chỉ tiêu phát triển KT-XH, quốc phòng - an ninh (QP-AN) trong năm 2021, năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành  phố nhiệm kỳ 2020-2025. Nhân dịp đầu năm mới, đồng chí Trần Việt Trường chia sẻ:

- Thực hiện kế hoạch phát triển trong 5 năm (2016-2020) do UBND thành phố đề ra, tăng trưởng kinh tế (GRDP) của thành phố duy trì tốc độ ở mức khá, bình quân đạt 6,17%/năm, cao hơn chỉ số tăng GDP của cả nước 0,27 điểm phần trăm, cao hơn 0,23 điểm phần trăm so với mức tăng trưởng GRDP của thành phố giai đoạn 2011-2015; GRDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 94,45 triệu đồng, gấp 1,6 lần so với năm 2015; diện mạo thành phố thay đổi theo hướng khang trang, tiến bộ, văn minh ở cả đô thị và nông thôn;... 

*Những thành tựu nổi bật mà thành phố đạt được trong năm qua là gì, theo đánh giá của đồng chí?

- Thực hiện mục tiêu “kép” theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, thành phố luôn bám sát các mục tiêu và thực hiện nghiêm túc các giải pháp theo chỉ đạo. Nhờ đó nền kinh tế thành phố tiếp tục duy trì tăng trưởng dương; sản xuất công nghiệp, thương mại dịch vụ đã có những khởi sắc. Các hình thức tổ chức sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp được chú trọng đổi mới, nâng cao hiệu quả, tạo điều kiện tăng thu nhập, cải thiện đời sống của nông dân. Cải cách hành chính, môi trường kinh doanh không ngừng được cải thiện theo hướng bình đẳng, minh bạch đã khuyến khích doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tạo lập hệ sinh thái khởi nghiệp, thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Thành phố thực hiện hiệu quả các  giải pháp thu ngân sách nhà nước; quản lý, điều hành chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm, đáp ứng nhu cầu chi hỗ trợ, phòng, chống dịch COVID-19 và các mục tiêu đầu tư phát triển của thành phố…

Một góc đô thị sông nước Cần Thơ xanh, sạch, đẹp, khang trang. Ảnh: V. THỨC

*Năm qua, Cần Thơ là một trong những địa phương phòng, chống dịch COVID-19 thành công, theo đồng chí, chúng ta có những bài học gì được rút ra cho thời gian tới?

- Trong công tác phòng, chống dịch, từ các chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, hướng dẫn ngành chuyên môn, chúng ta đã nhận định rõ các nguy cơ và năng lực của thành phố, từ đó đề ra và lựa chọn phương án hành động phù hợp trong từng giai đoạn then chốt. Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đã lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, kịp thời tăng cường nhận thức, sự quyết tâm và hành động tập trung, thống nhất của cả hệ thống chính trị và toàn dân không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Song song với phát động phong trào thi đua “Ngành y tế chung tay phòng, chống dịch bệnh COVID-19” tại tất cả cơ sở y tế trên địa bàn, thành phố tăng cường năng lực của ngành Y tế qua việc hỗ trợ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ triển khai phòng xét nghiệm chẩn đoán COVID-19, vận động và hỗ trợ người dân khai báo y tế tự nguyện qua ứng dụng NCOVI và phần mềm Bluezone. Ngoài ra, việc thực hiện kịp thời, công khai, minh bạch các giải pháp hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng dịch bệnh theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giúp thành phố duy trì sự ổn định, tạo điều kiện thuận lợi phục hồi nhanh kinh tế sau dịch. 

*Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp, xin đồng chí cho biết thành phố sẽ tập trung vào các giải pháp điều hành nào để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng?

- Thành phố sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm trật tự an toàn xã hội theo Kết luận số 77-KL/TW ngày 5-6-2020 của Bộ Chính trị về chủ trương khắc phục tác động của đại dịch COVID-19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước và Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29-5-2020 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, giám sát, đôn đốc hệ thống ngân hàng trên thành phố thực hiện giải ngân, hỗ trợ vốn vay, cơ cấu nợ, giãn nợ để doanh nghiệp có điều kiện phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh. Xây dựng các phương án, kịch bản tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh, cung ứng hàng hóa, nhu yếu phẩm, bình ổn giá và thị trường; rà soát, chuẩn bị các điều kiện về đất đai, hạ tầng cơ sở, nguồn nhân lực để sẵn sàng đón nhận các dòng vốn đầu tư dịch chuyển vào thành phố…

Đặc biệt, thành phố tập trung triển khai các biện pháp Chính phủ đã yêu cầu “Khẩn trương đẩy nhanh tiến độ xem xét, giải quyết thủ tục đầu tư cho các dự án theo đề xuất của doanh nghiệp; tuyệt đối không để chậm trễ, tồn đọng hồ sơ chưa giải quyết; chủ động, khẩn trương báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết đối với các vấn đề còn vướng mắc, vượt thẩm quyền”. Huy động các nguồn lực, tạo động lực cho phát triển; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách an sinh xã hội của Chính phủ, nhất là hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

*Đồng chí có thể chia sẻ về kế hoạch phát triển KT-XH năm 2021 của thành phố?

- Năm 2021, thành phố xác định Chủ đề năm “Tăng cường xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh huy động nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ”, với mục tiêu phát huy đồng bộ các yếu tố, tiềm năng, lợi thế, phát triển nền kinh tế nhanh, bền vững; bảo đảm tăng trưởng kinh tế trên cơ sở nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; đẩy nhanh chuyển đổi số và phát triển nền kinh tế số, xây dựng xã hội số. Trong đó, thành phố sẽ phát huy mọi nguồn lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tiếp tục đầu tư phát triển nhanh, mạnh, đồng bộ và bền vững kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, phát triển logistics, văn hóa, tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống; bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, QP-AN tiếp tục được giữ vững.

Những giải pháp quan trọng mà thành phố tập trung thực hiện là tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 5-8-2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025, nhất là các chương trình, đề án toàn khóa ngay từ năm đầu của các Nghị quyết.

Bên cạnh đó, thành phố tập trung phát triển các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp; Siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước, thực hành triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, quản lý tốt tài sản công. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế; phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, tổ chức sản xuất theo chuỗi đối với các sản phẩm chủ lực. Thu hút tối đa nguồn lực đầu tư, đa dạng hóa các hình thức huy động, đi đôi với giải ngân tốt các nguồn vốn và sử dụng hiệu quả nguồn lực, nhất là nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước. Ưu tiên vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước để tập trung đầu tư hoàn thiện hạ tầng KT-XH. Đẩy mạnh thu hút đầu tư, chú trọng các tập đoàn công nghệ đứng đầu các chuỗi sản xuất, các đối tác có trình độ công nghệ cao; đẩy mạnh liên kết vùng và hợp tác với các tỉnh, thành, viện, trường...

*Xin cảm ơn đồng chí!

Hà Văn (Thực hiện)
Theo Báo cần Thơ





Chia sẻ bài viết:  
  In bài viết