Chính trị, xây dựng đảng, đưa nghị quyết vào cuộc sống

Đa dạng hình thức tuyên truyền góp phần thực hiện thắng lợi chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm Y tế trên địa bàn thành phố Cần Thơ
Cập nhật lúc 08:20 ngày 28/09/2021 - Số lượt xem: 467


Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và thực hiện chính sách an sinh xã hội, đảm bảo tiến bộ, công bằng xã hội và coi đó vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển bền vững đất nước. Trong 08 năm qua, các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Cần Thơ đã đa dạng hình thức tuyên truyền góp phần thực hiện thắng lợi chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm Y tế theo tinh thần Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn 2012 – 2020 (Nghị quyết số 21-NQ/TW).


Ảnh minh họa
. Nguồn: tuyengiao.vn

Nhiều hình thức tuyên truyền thiết thực, hiệu quả

Các cấp ủy đảng đã tích cực tuyên truyền, phổ biến quan điểm, mục tiêu Nghị quyết số 21-NQ/TW gắn với Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020”, Chỉ thị số 38-CT/TW ngày 07/9/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới”; nhằm cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ ban hành Chương trình số 39-CTr/TU ngày 19/7/2018 về thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW; Luật Bảo hiểm xã hội; Luật Bảo hiểm y tế; Luật An toàn, vệ sinh lao động; Luật Việc làm; ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác BHXH, BHYT và lộ trình tiến tới BHYT toàn dân đến các cấp, các ngành và cán bộ, đảng viên, người sử dụng lao động, người lao động trong các thành phần kinh tế, học sinh, sinh viên và Nhân dân thành phố. Xác định công tác thông tin, tuyên truyền về chế độ, chính sách BHXH, BHYT, nhất là Nghị quyết số 21-NQ/TW là nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên, nhằm từng bước nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người sử dụng lao động, người lao động và các tầng lớp Nhân dân. Có sự đổi mới trong phối hợp tuyên truyền, một số ngành đã ký kết các quy chế, chương trình, kế hoạch để phối hợp tuyên truyền với BHXH thành phố. Cụ thể, với nhiều hình thức tuyên truyền thiết thực, hiệu quả, như:

Một là, tuyên truyền thông qua hệ thống BHXH các cấp

BHXH thành phố, thường xuyên cập nhật văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản liên quan về BHXH, BHYT, phản ánh kịp thời về tình hình thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp và các thông tin liên quan đến hoạt động của ngành, nhằm tuyên truyền sâu rộng chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp và tạo điều kiện thuận lợi cho việc tìm hiểu chế độ, chính sách của người lao động, đơn vị sử dụng lao động. Tiêu biểu như: năm 2018 với 300 tin bài, văn bản; năm 2019 với 59 tin, bài; năm 2020 với 35 tin, bài. Về giao lưu trực tuyến, năm 2018 tổ chức 6 cuộc, 120 câu hỏi; năm 2019 tổ chức 3 cuộc, 55 câu hỏi; năm 2020 tổ chức 2 cuộc, 30 câu hỏi. Kịp thời đưa lên cổng thông tin điện tử của cơ quan BHXH niêm yết thủ tục hồ sơ và các văn bản, quy trình hướng dẫn tuyên truyền đến cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân tham gia thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp.

Trang thông tin điện tử của BHXH thành phố, đến nay đã thực hiện đăng tải 274 tin bài, 191 văn bản hướng dẫn của ngành, trả lời 521 câu hỏi thắc mắc của người dân liên quan đến chế độ chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp. Đến nay có 450.412 lượt truy cập, trung bình hàng tháng có khoảng 23.686 lượt truy cập trên Trang thông tin điện tử BHXH thành phố. Đồng thời, từ năm 2012 đến năm 2020 đã phối hợp với các ngành liên quan như Cục thuế, Đảng ủy khối Doanh nghiệp, tăng cường công tác tuyên truyền, đối thoại trực tiếp với người lao động, chủ sử dụng lao động tại các Khu, Cụm công nghiệp. Điển hình, từ năm 2018 đến năm 2020, đã phối hợp Cục Thuế hàng quý thực hiện đối thoại với doanh nghiệp được 12 cuộc có trên 1.200 lượt người dự.

Đối với BHXH các quận, huyện thực hiện ký hợp đồng tuyên truyền với Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh quận, huyện phát sóng hàng tuần chuyên mục BHXH, BHYT, đồng thời tiếp sóng đến loa truyền thanh của tất cả xã, phường, thị trấn trên địa bàn. Hàng năm các quận, huyện cũng tiến hành khen thưởng cho các tập thể cá nhân có thành tích trong việc tuyên truyền vận động người dân, doanh nghiệp hưởng ứng tham gia BHXH, BHYT.

Hai là, tuyên truyền thông qua hình thức đối thoại trực tiếp

Các địa phương, đơn vị thường xuyên tổ chức việc đối thoại trực tiếp để tuyên truyền, giải đáp kịp thời những thắc mắc của người dân liên quan đến chính sách BHXH, BHYT. Theo đó, năm 2019 triển khai được 558 cuộc với 36.264 người dự; đến năm 2020, trước tình hình phức tạp của đại dịch COVID-19, ngành bảo hiểm cũng triển khai được 117 cuộc với 5.600 người dự. Đồng thời, Mặt trận và các đoàn thể tổ chức nhiều hình thức gặp gỡ, tuyên truyền đến đoàn viên, hội viên, cụ thể đã có 118 cuộc hội nghị và đối thoại trực tiếp, trong đó có 04 hội nghị tập huấn trang bị kiến thức về BHXH, BHYT và kỹ năng, phương pháp truyền thông về BHXH, BHYT cho cơ sở Hội và đại lý thu; 32 cuộc đối thoại, tọa đàm trực tiếp với người lao động, người sử dụng lao động, cán bộ  phụ trách công tác BHXH, BHYT trong các doanh nghiệp, công nhân, nông dân, phụ nữ, xã viên hợp tác xã, đoàn viên, thanh niên và học sinh, sinh viên; 72 cuộc đối thoại trực tiếp với Nhân dân tại các xã, phường, thị trấn… đây là những hoạt động mang tính thực tiễn và đạt hiệu quả cao thực hiện thắng lợi chính sách BHXH, BHYT ở cơ sở.

Ba là, thông qua cơ quan báo, đài địa phương

Công tác phối hợp, định hướng và chỉ đạo tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT với các cơ quan thông tấn báo chí tăng cường, cả về nội dung, hình thức; tần suất phát sóng trên Đài Phát thanh và Truyền hình Cần Thơ thực hiện dưới hình thức các phóng sự thời sự, tuyên truyền chế độ, chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp với hơn 1.300 lượt phát sóng/năm; từ năm 2013 đến nay, sản xuất 122 chương trình và 01 clip tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT thời lượng 20 phút/1 lần phát sóng và 01 clip phóng sự 15 phút phát trên sóng Đài Phát thanh - Truyền hình TP Cần Thơ để phục vụ công tác tuyên truyền. Đài Truyền thanh quận, huyện thực hiện mỗi tuần 2 - 3 lần phát trên sóng đài truyền thanh, loa phát thanh tận ấp, khu vực.

Đối với Báo Cần Thơ thực hiện tuyên truyền chủ trương, chính sách, các văn bản mới có liên quan đến công tác BHXH, BHYT mỗi tháng 04 kỳ; thực hiện các bài tuyên truyền trên trang xã hội, về chính sách BHXH, BHYT và BHXH tự nguyện. Bên cạnh đó, Báo Cần Thơ phối hợp cùng BHXH thành phố thường xuyên trao đổi nội dung trả lời thắc mắc của độc giả trên Báo điện tử Cần Thơ. Cụ thể, từ năm 2013 đến nay, đã phối hợp thực hiện 144 chuyên trang về BHXH, BHYT; chỉ tính riêng năm 2018 đăng tải 29 kỳ chuyên trang; năm 2019 đăng tải 48 kỳ chuyên trang; năm 2020 đăng tải 40 kỳ chuyên trang.

Ban Tuyên giáo Thành ủy thực hiện đăng tin, bài trên Bản tin Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ, Trang Thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Thành ủy về chính sách BHXH. Trong 08 năm (từ năm 2012 đến năm 2020) đã thực hiện 96 kỳ, với tổng số khoảng 360.000 cuốn phát hành (mỗi kỳ khoảng 3.750 cuốn) đến các chi bộ, đảng bộ trên toàn thành phố, trong đó có các nội dung, bài viết, chính sách cụ thể liên quan đến chính sách BHXH, BHYT nhằm cung cấp thông tin kịp thời đến đội ngũ cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ thành phố.

Ngoài ra, toàn thành phố đã thực hiện lắp đặt 1.300 lượt pano các loại; 530 panner; 2.000 băng rôn, cờ phướn; phát hành trên 2.440.000 tờ gấp; 1.220 áp phích; tổ chức 890 cuộc tập huấn, tọa đàm, đối thoại trực tiếp với hơn 142.763 lượt người dự (trong đó, cấp thành phố là 455 cuộc, với 86.463 lượt người dự; cấp quận, huyện 435 cuộc, với 56.300 lượt người dự); tổ chức19 hội thi, hội diễn về chủ đề BHXH, BHYT; thực hiện 174 chương trình “Câu chuyện BHYT”, 01 đoạn phim ngắn về BHXH, BHYT; phát hành hàng trăm ngàn tờ báo, tạp chí BHXH và sổ tay hỏi, đáp về BHXH, BHYT cùng hàng trăm ngàn lượt tin, bài trên các báo, đài Trung ương, địa phương và cổng thông tin điện tử.

Từ đó, hầu hết các tổ chức, cơ sở đảng đã cụ thể hóa Chương trình của Ban Thường vụ Thành ủy thành nghị quyết, chương trình, kế hoạch hành động phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương, các chính sách, chế độ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp được triển khai đầy đủ, kịp thời, đảm bảo quyền lợi cho người dân. Đặc biệt, phát huy mạnh mẽ vai trò tuyên truyền viên của các Hội, đoàn thể và nhân viên làm công tác thu BHXH, BHYT làm lực lượng tuyên truyền tiếp cận phù hợp với từng đối tượng cụ thể đã phát huy tác dụng.

Tiếp tục tăng cường tuyên truyền việc thực hiện thắng lợi chính sách BHXH, BHYT

Mặc dù công tác tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT đẩy mạnh toàn diện nhưng có lúc, có nơi chưa được thường xuyên, liên tục; nội dung giải pháp chưa phù hợp theo nhóm đối tượng, việc cập nhật những điểm mới của chính sách BHXH, BHYT chưa đa dạng hình thức,… từ đó, hiệu quả tuyên truyền tích cực nhưng chưa được ổn định. Việc thực hiện tuyên truyền về Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm  và các văn bản dưới luật đến người lao động, đặc biệt là khu vực ngoài quốc doanh gặp không ít khó khăn, chủ yếu chỉ thông qua chủ sử dụng lao động hoặc người đại diện, nhiều doanh nghiệp ngoài quốc doanh chưa có tổ chức công đoàn…. Do đó, để tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền thực hiện thắng lợi chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn thành phố, cần đẩy mạnh thực hiện một số nội dung sau:

Trước hết, cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, người lao động và Nhân dân về chính sách BHXH, BHYT; đồng thời thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhằm tăng nhanh độ bao phủ đối tượng tham gia BHXH, BHYT.

Thứ hai, BHXH thành phố tiếp tục tham mưu Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố, đồng thời phối hợp với các cơ quan, ban ngành trên địa bàn tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến quan điểm, mục tiêu theo quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Cụ thể như: Chỉ thị số 38-CT/TW ngày 07/9/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới”; nhằm cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về cải cách chính sách BHXH, Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Chương trình số 39-CTr/TU ngày 19/7/2018 về thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW… nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể để xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế của thành phố qua các giai đoạn; đưa mục tiêu, kế hoạch thực hiện lộ trình BHXH đến mọi người lao động vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Thứ ba, các cấp ủy đảng thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác BHXH, BHYT, xem việc hoàn thành chỉ tiêu bao phủ đối tượng tham gia BHXH, BHYT là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị; là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ và xem xét khen thưởng đối với cấp ủy đảng, cơ quan, đơn vị.

Thứ tư, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể thành phố đôn đốc, chỉ đạo, tuyên truyền, vận động và giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật BHXH, BHYT, đặc biệt tăng cường vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện.

Phòng Khoa giáo





Chia sẻ bài viết:  
  In bài viết