Chính trị, xây dựng đảng, đưa nghị quyết vào cuộc sống

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai
Cập nhật lúc 08:51 ngày 01/06/2021 - Số lượt xem: 348


Trong những năm qua, Thành ủy Cần Thơ luôn xác định việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai là nhiệm vụ của cấp ủy chính quyền và toàn hệ thống chính trị, của toàn dân, toàn xã hội, là trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị để tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, chỉ huy phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, nhất là sau khi có Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai” (viết tắt là Chỉ thị số 42-CT/TW). Từ đó, tạo được sự thống nhất trong tư tưởng, hành động của cả hệ thống chính trị thành phố, được Nhân dân đồng thuận và tích cực tham gia.


Đồng chí Trần Việt Trường (đeo kính, áo mưa xanh), Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ cùng đoàn công tác kiểm tra tình hình ngập lụt tại đường Huỳnh Cương gần hồ Xáng Thổi năm 2020. Ảnh minh họa: Nhân Thành.

Kết quả việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn thành phố

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Để cụ thể hóa Chỉ thị số 42-CT/TW trên địa bàn thành phố, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Kế hoạch số 220-KH/TU ngày 28/5/2020, giao nhiệm vụ cho các cấp ủy đảng tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ đã đạt được nhiều kết quả khả quan; đồng thời giao Ban Tuyên giáo Thành ủy tham mưu quán triệt, tuyên truyền phổ biến về công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; Ủy ban nhân dân thành phố giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban ngành thành phố, Ủy ban nhân dân các quận, huyện theo chức năng, nhiệm vụ được giao xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể thực hiện phù hợp với đặc điểm tình hình của từng cơ quan, đơn vị và địa phương; tổ chức kiểm tra, giám sát, kịp thời uốn nắn, nhắc nhỏ, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ của các cơ cơ quan chuyên môn và các địa phương trên địa bàn thành phố. Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Cần Thơ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định 07 quan điểm, phương hướng phát triển thành phố, trong đó đề cập trực tiếp đến việc “Giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với ứng phó biến đổi khí hậu; bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái”; cùng với đó, thành phố huy động mọi nguồn lực, đẩy mạnh đầu tư nhằm “chống ngập, ô nhiễm môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu” - đây là sự lãnh đạo, chỉ đạo mang tính dài hạn của Thành ủy đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn thành phố.

Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, theo dõi, giám sát thiên tai bảo đảm kịp thời, đủ độ tin cậy. Thành phố chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực với phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư, phương tiện và kinh phí tại chỗ, hậu cần tại chỗ) và “3 sẵn sàng” (chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả), nâng cao hiệu quả và hoàn thiện hệ thống thu thập số liệu, hệ thống dự báo, cảnh báo và truyền tin ứng phó thiên tai, khắc phục hậu quả. Từng bước khắc phục những bất cập, hạn chế trong các khâu như: quan trắc, đo đạc, lưu trữ, xử lý số liệu đến xây dựng, hoàn thiện công nghệ dự báo; thực hiện bản tin dự báo khí tượng - thủy văn ngày một chính xác hơn, góp phần không nhỏ vào việc hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Cùng với việc cảnh báo, dự báo, thành phố cũng thực hiện đa dạng hóa việc huy động nguồn lực và sử dụng hiệu quả nguồn lực theo phân cấp, đúng thẩm quyền; rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên, từng bước đầu tư xây dựng, nâng cao khả năng chống chịu thiên tai của hệ thống kết cấu hạ tầng; xây dựng kế hoạch chủ động ứng phó, thích ứng với lũ lớn, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở trên địa bàn thành phố; thực hiện việc phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường thuộc các dự án xây dựng trên địa bàn thành phố; thường xuyên rà soát, bố trí nguồn vốn dự phòng ngân sách cho các dự án khẩn cấp phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai.

Phát triển khoa học công nghệ và thúc đẩy hợp tác quốc tế về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Từ việc tranh thủ sự quan tâm đầu tư của Trung ương, nguồn vốn từ Ngân hàng thế giới và các tổ chức quốc tế khác trong đầu tư cơ sở hạ tầng, ứng phó với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn và ngập lụt ở các đô thị. Thành phố tập trung triển khai thực hiện các hạng mục ưu tiên của Dự án 3, với các hạng mục như cầu Quang Trung (nhánh 2), đường Trần Hoàng Na (Ninh Kiều); đường Trần Hoàng Na (IC3) được tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công và hoàn thành. Các gói thầu như: Gói thầu Âu thuyền Cái Khế thay đổi vị trí (tim tuyến), quy mô công trình cống Cái Khế (từ 80m xuống còn 60m); nâng cao đỉnh bờ kè đoạn rạch Khai Luông mỗi bên 60m; bổ sung đoạn đường qua cống kết nối với đường số 2 (cặp Khách sạn Mường Thanh). Có thể nói, Dự án 3 có tổng mức đầu tư lên đến hơn 7.343 tỉ đồng tương đương 322,21 triệu USD (Trong đó, vốn vay từ Ngân hàng Thế giới 250 triệu USD, tương đương 5.697 tỉ đồng; vốn không hoàn lại SECO 10 triệu USD, tương đương 227,9 tỉ đồng; vốn đối ứng hơn 1.417 tỉ đồng, tương đương 62,21 triệu USD), là dự án lớn mà thành phố triển khai đáp ứng kỳ vọng góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nâng tầm đô thị trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long, tăng cường khả năng thích ứng của đô thị trước sự biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp. Cùng với đó, thành phố tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong dự báo khí tượng thủy văn và phòng, chống thiên tai; tăng cường hợp tác song phương, đa phương với các quốc gia, đối tác phát triển, nhà tài trợ, cơ quan nghiên cứu khoa học trong khu vực và trên thế giới về công tác dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, nhất là hợp tác chia sẻ thông tin dự báo, cảnh báo về thiên tai, quản lý tài nguyên nước.

Tiếp tục quan tâm một số nhiệm vụ và giải pháp phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai

Thời gian qua mặc dù công tác tuyên truyền, quán triệt việc thực hiện phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn thành phố được triển khai sâu rộng, nhưng do diễn biến thiên tai, thời tiết ngày càng cực đoan, khó lường, trong khi đó tại nhiều địa phương, các điều kiện phục vụ cho công tác chỉ huy, chỉ đạo phòng chống thiên tai, đôi khi chưa đảm bảo, nhất là việc bố trí lực lượng và kinh phí; đội ngũ công chức, viên chức trực tiếp làm công tác phòng, chống thiên tai các cấp còn thiếu, chưa được đào tạo bài bản. Do đó, năng lực chưa đáp ứng được yêu cầu, chủ yếu làm công tác kiêm nhiệm nên gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ. Nhằm khắc phục những hạn chế này, thành phố cần tiếp tục thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai như:

Thứ nhất, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng ngừa, ứng phó khắc phục hậu quả thiên tai; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; đẩy mạnh tăng cường hợp tác quốc tế trong dự báo khí tượng thủy văn, nhất là hợp tác chia sẻ thông tin dự báo, cảnh báo về thiên tai, quản lý tài nguyên nước, hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra; thường xuyên kiểm tra, giám sát, khen thưởng, biểu dương đối với cá nhân có thành tích xuất sắc; kiểm điểm, xem xét trách nhiệm đối với các cấp ủy đảng, tổ chức đảng, đảng viên để xảy ra thiệt hại nặng về người và tài sản trong công tác phòng ngừa, ứng phó khắc phục hậu quả thiên tai.

Thứ hai, thành phố quan tâm bố trí ngân sách cho công tác phòng ngừa, ứng phó khắc phục hậu quả thiên tai; đa dạng hóa việc huy động nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị phục vụ cho nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai ứng phó biến đổi khí hậu trên địa bàn thành phố.

Thứ ba, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo sự thống nhất cả về nhận thức và hành động trong cả hệ thống chính trị và toàn dân về hoạt động phòng ngừa, ứng phó khắc phục hậu quả thiên tai theo kế hoạch cụ thể.

Thứ tư, phát huy hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh công tác vận động các tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia các hoạt động phòng ngừa, ứng phó khắc phục hậu quả thiên tai và giám sát việc thực hiện phòng ngừa, ứng phó khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn thành phố.

Thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ nêu trên, cùng với mục tiêu chủ động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai đồng bộ, hiệu quả; tin tưởng đến năm 2030, thành phố sẽ chống, chịu được với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm tổn thất về người và tài sản của Nhà nước, Nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn và từng bước xây dựng thành phố an toàn hơn trước thiên tai; đến năm 2050, chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó kịp thời với mọi thảm họa về thiên tai, phục hồi, tái thiết nhanh, xây dựng lại tốt hơn, tạo điều kiện phát triển bền vững kinh tế, xã hội.

Ngọc Quy





Chia sẻ bài viết:  
  In bài viết