Chính trị, xây dựng đảng, đưa nghị quyết vào cuộc sống

Quả ngọt từ “đất lửa” năm xưa
Cập nhật lúc 03:59 ngày 30/04/2021 - Số lượt xem: 296


Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, địa bàn phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, nằm trên tuyến lộ Vòng Cung, áp sát TP Cần Thơ, là nơi tranh chấp quyết liệt giữa ta và địch. Dưới sự lãnh đạo của Ðảng, quân và dân Long Tuyền luôn nêu cao tinh thần cách mạng, kiên trì bám đất, lập nên nhiều chiến công oanh liệt. Những ngày tháng tư lịch sử này, về lại Long Tuyền, chúng tôi cùng chia sẻ niềm vui với nhân dân địa phương về sự thay da đổi thịt của vùng đất anh hùng.


Phường Long Tuyền được công nhận Phường đạt chuẩn Văn minh đô thị từ tháng 4-2020. 

Phường Long Tuyền có diện tích hơn 1.400ha, 6 khu vực dân cư, có 22.000 người sinh sống. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, địch tăng cường phi pháo, rải chất độc hóa học, khai hoang địa hình, khiến nhà cửa, ruộng vườn tan hoang. Dưới sự lãnh đạo của Ðảng, quân và dân Long Tuyền đã chiến đấu anh dũng, chịu nhiều hy sinh, mất mát, đau thương. Năm 1994, Long Tuyền được Ðảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Trải qua 46 năm, kể từ ngày đất nước thống nhất, vùng đất Long Tuyền đã thay da, đổi thịt, bừng lên sức sống mới. Bây giờ, các tuyến đường từ trung tâm phường về các khu vực đã được tráng nhựa, bê tông, dọc hai bên các tuyến đường có nhiều hàng quán, nhà cửa khang trang. Nhiều ngôi nhà kiến trúc hiện đại nằm nép mình bên những vườn cây ăn trái, những hàng rào đầy hoa kiểng được cắt tỉa gọn gàng, tạo diện mạo các tuyến đường thêm xanh, sạch, đẹp. 

Tại khu vực Bình Dương B, nhiều người dân đang góp sức thi công mở rộng và tráng bê tông tuyến đường Miễu Ông (bên trái). Tiếng nói, cười, tiếng trộn bê tông rộn vang một khúc đường. Chúng tôi nghe bà con kể nhiều chuyện vui, từ việc di dời vật kiến trúc, hoa màu để hiến 4.000m2 đất, đóng góp ngày công cùng Nhà nước làm tuyến đường rộng 4m, dài 2.000m này. Ai nấy đều phấn chấn tính chuyện làm ăn sắp tới khi tuyến lộ hoàn thành đưa vào sử dụng. Người thì dự định mở tiệm tạp hóa, người thì mở quán giải khát hoặc mua ô tô chạy taxi. Chú Nguyễn Văn Bảy, người dân tham gia làm đường, cười khà khà nói: “Vui nhất là sắp tới tụi nhỏ đi học thuận tiện, quần áo không còn bị lấm lem sình bùn như trước đây...”.

Ðường về khu vực Bình Dương A xe chạy êm ru. Hai bên đường nhà dân san sát, nối tiếp nhau. Anh Võ Thanh Thống, Phó Bí thư Thường trực Ðảng ủy phường, tự hào nói: “Tất cả đều thay da đổi thịt. Phần lớn cầu, đường đều là những công trình do Nhà nước và nhân dân cùng làm...”. Anh Thống bồi hồi nhắc lại tình hình địa phương những năm đầu mới giải phóng: “Theo lời các cô chú cao tuổi kể lại, khi đó, đường giao thông chỉ là những bờ đê, đường đất, mùa mưa phải xắn quần mà lội. Nhà nào như nhà nấy, cứ khoảng 6 giờ chiều là đóng cửa im ỉm, chong đèn dầu leo lét...”. Hàng chục năm qua, được sự quan tâm đầu tư, chăm lo nhiều mặt của Ðảng và Nhà nước, sự nỗ lực vận động của nhiều thế hệ cán bộ địa phương cùng với sự nhiệt tình đóng góp tiền của, công sức của nhân dân, diện mạo của địa phương dần khởi sắc. Sự đoàn kết, nỗ lực của Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân đã đưa phường Long Tuyền trở thành phường văn hóa đầu tiên của quận Bình Thủy. Ðến nay, trên 90% đường giao thông trong phường đều được bê tông hóa, trong đó có 11 tuyến đường bề mặt rộng 4m, thuận lợi cho việc đi lại, giao thương; 100% hộ sử dụng điện an toàn, 100% hộ sử dụng nước sạch hợp vệ sinh (96% hộ sử dụng nước máy đô thị), 5 trường học và trạm y tế đạt chuẩn quốc gia. Ðặc biệt, năm 2020 phường đạt tiêu chí phường văn minh đô thị…  

Ðảng bộ, chính quyền, MTTQVN và các đoàn thể phường luôn quan tâm chăm lo đời sống nhân dân, nhất là các hoạt động cất nhà tình nghĩa, nhà tình thương tặng gia đình chính sách, hộ nghèo; giới thiệu việc làm, đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân có kinh nghiệm sản xuất. Phường đã thành lập 9 tổ hợp tác trồng cây ăn trái, hoa kiểng, rau màu, nuôi lươn không bùn… Các đoàn thể phường đã huy động được nguồn vốn trong nội bộ hội viên, vốn xoay vòng, lập các dự án vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội giúp đoàn viên, hội viên sản xuất, kinh doanh. Ðến cuối năm 2020, phường chỉ còn 33 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,25%, giảm 4,35% so với năm 2014. 

Ðến thăm gia đình anh Lê Tấn Dậu, khu vực Bình Dương A, nhìn cơ ngơi, nhà cửa khang trang, phần nào có thể hình dung được hiệu quả sản xuất của gia đình. Anh Dậu tâm sự: “Gia đình tôi có 2ha đất, nhưng trước đây do thiếu vốn, năng suất sản xuất không cao nên cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn...”. Theo anh Dậu, khoảng 10 năm nay, được sự hỗ trợ vay vốn, khoa học kỹ thuật, giống cây trồng của địa phương, anh đã từng bước chuyển đổi trồng những loại cây ăn trái cho hiệu quả kinh tế cao như xoài Ðài Loan, mít Thái... Ước tính mỗi năm, huê lợi thu được từ kinh tế vườn khoảng 300-400 triệu đồng. Cuộc sống gia đình anh ngày càng khá giả, có điều kiện chăm lo cho các con ăn học.


Nông dân phường Long Tuyền trồng cây ăn trái cho thu nhập cao. 

Gần nhà anh Dậu, gia đình chú Lê Tấn Tài cũng khá lên nhờ làm vườn. Ðứng giữa vườn xoài Ðài Loan trái oằn cành, sắp thu hoạch, chú Tài bộc bạch: “Trong chiến tranh, chúng tôi luôn nêu cao tinh thần chiến đấu, cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh. Khi đất nước thanh bình, chúng tôi vun bón để mảnh đất này đâm chồi nảy lộc, mang đến cho đời cây trái ngọt lành”. Những năm qua, được sự hỗ trợ của địa phương về nhiều mặt, chú Tài lần lượt cải tạo 2ha vườn trồng xoài Ðài Loan. Ðến nay, một phần diện tích vườn xoài đã cho trái, ước tính huê lợi mỗi năm được vài trăm triệu đồng. Dự kiến, vài năm nữa toàn bộ diện tích xoài cho thu hoạch, kinh tế gia đình sẽ khấm khá hơn...

Ghé tham quan khu chợ Miễu Ông, chợ Phó Thọ vào xế chiều, hoạt động mua bán vẫn diễn ra nhộn nhịp. Chợ bày bán đủ mặt hàng từ nông sản, trái cây cho đến vải, quần áo, hàng điện tử... Từ một phường thuần nông, đời sống người dân chủ yếu là nông nghiệp, nay toàn phường có 650 hộ kinh doanh, buôn bán (trong đó có 65 doanh nghiệp).  Chị Nguyễn Thị Phương, trước đây chỉ quen với ruộng vườn, từ khi có chợ, chị mở quán giải khát, điểm tâm sáng và cơm phần cho khách, mỗi tháng có thu nhập hơn 10 triệu đồng.

Sau ngày miền Nam giải phóng, Ðảng bộ phường Long Tuyền từng bước phát triển lớn mạnh, thể hiện rõ vai trò hạt nhân lãnh đạo toàn diện các lĩnh vực của địa phương. Bà Phan Thị Tuyết Mai, Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường, người từng tham gia làm giao liên của Chi bộ xã Long Tuyền từ những năm 1970, tự hào nói: “Sau giải phóng, Chi bộ xã Long Tuyền chỉ có 7 đảng viên. Ðến nay, Ðảng bộ phường Long Tuyền có 14 chi bộ với 410 đảng viên. Ðội ngũ cán bộ xã được quy hoạch, đào tạo đạt chuẩn, hầu hết có trình độ đại học, trẻ, có năng lực. Ðây là yếu tố tiên quyết góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của phường phát triển hơn nữa trong thời gian tới...”.     

Bài, ảnh: Hoàng Dung





Chia sẻ bài viết:  
  In bài viết