NGHIÊN CỨU-TRAO ĐỔI

Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị Báo cáo viên trực tuyến tháng 12 năm 2018
Cập nhật lúc 12:02 ngày 27/12/2018 - Số lượt xem: 773
Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị Báo cáo viên trực tuyến tháng 12 năm 2018
Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị Báo cáo viên trực tuyến tháng 12 năm 2018


(TGCT) Sáng ngày 14/12/2018, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị Báo cáo viên các tỉnh ủy, thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Trung ương tháng 12/2018. Tham dự, chủ trì tại điểm cầu chính có đồng chí Lê Mạnh Hùng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; cùng các điểm cầu của Ban Tuyên giáo Trung ương tại Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh và 67 điểm cầu tại các tỉnh ủy, thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Trung ương.

Quang cảnh tại điểm cầu Thành ủy Cần Thơ.

Tại điểm cầu Thành ủy Cần Thơ, tham dự có đồng chí Lê Thị Sương Mai, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy, Báo cáo viên Trung ương; cùng các đồng chí là Báo cáo viên Thành ủy, báo cáo viên các quận ủy, huyện ủy và Đảng ủy trực thuộc Thành ủy.

Tại Hội nghị, các đồng chí báo cáo viên các cấp được nghe 02 nội dung chính: Chuyên đề 1, Tổng quan tình hình kinh tế - xã hội năm 2018; nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm năm 2019” do đồng chí TS Lê Quang Mạnh, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày; Chuyên đề 2, “Những nội dung cốt lõi của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam và giải pháp trong thời gian tới” do đồng chí Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa phương, Bộ Công thương trình bày.

Theo đó, các đồng chí báo cáo viên được tiếp thu nhiều thông tin như bức tranh kinh tế Việt Nam có nhiều điểm sáng: Trong năm 2018, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 6,7%, so với các năm từ 2014 đến nay có sự tăng trưởng khá; kim ngạch xuất nhập khẩu vượt chỉ tiêu kế hoạch Quốc hội giao, cơ cấu xuất khẩu theo hướng giảm xuất khẩu sản phẩm thô, nguyên liệu sang xuất khẩu các mặt hàng có giá trị gia tăng, cán cân thặng dư xuất siêu khoảng 01 tỷ đô la; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12%; giá trị các mặt hàng tăng mạnh, nền kinh tế nông nghiệp hướng mạnh ra thị trường thế giới; du lịch có sự bứt phá, có khoảng 15 triệu khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, tăng trên 16% so với năm 2017; các dịch vụ khác cũng có sự chuyển biến tích cực, sự bắt kịp về công nghệ, các loại hình kinh doanh mới... Đạt được kết quả này do sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư, thành lập. Trong năm 2019, nhằm phát triển kinh tế cần thực hiện 09 nhóm giải pháp như: củng cố nền tảng vĩ mô, kiểm soát lạm phát; cải thiện môi trường đầu tư; thực hiện đồng bộ các đột phá; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, tăng năng suất lao động; cải cách hành chính, tư pháp gắn với sắp xếp tinh gọn bộ máy hiệu lực, hiệu quả; phát huy các nguồn lực; tăng tiền lực quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng quyết tâm thực hiện hiệu quả, hoàn thành nhiệm vụ…

Về những nội dung cốt lõi của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đồng chí Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa phương, Bộ Công thương điểm lại lịch sử ra đời, cũng như tên gọi của Hiệp định CPTPP; đây là một trong những sáng kiến góp phần sự thành công của Hội nghị APEC, không những có ý nghĩa về mặt kinh tế, đây còn tạo một khuôn khổ hợp tác thế hệ mới nhằm thiết lập quan hệ đối tác với các nền kinh tế lớn khác. Không những vậy, Hiệp định CPTPP có những ý nghĩa nhất định đối với Việt Nam: Đây như một Hiệp định cân bằng những tác động tiêu cực trong bối cảnh hiện nay; hình thành chuỗi cung ứng mới trong khu vực, và Việt Nam là một trong những lựa chọn để các nền kinh tế lớn đặt cơ sở sản xuất; đây là những tiêu chuẩn giúp Việt Nam cải cách những quy định trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn…

Định hướng công tác tuyên truyền trong thời gian tới và Kết luận hội nghị, đồng chí Lê Mạnh Hùng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị các địa phương, đơn vị tập trung tuyên truyền theo một số nội dung chính sau: đề nghị các đồng chí báo cáo viên, căn cứ vào nội dung Hội nghị lần này lựa chọn nội dung để cung cấp thông tin thời sự phù hợp ở cấp mình; tiếp tục tuyên truyền nội dung Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XII) của Đảng, triển khai học tập ở các cấp hoàn thành trong tháng 12 năm 2018; thông tin tình hình kinh tế xã hội, tuyên truyền kết quả kỳ họp Chính phủ tháng 11 năm 2018; tuyên truyền tình hình di dân tự do ở các tỉnh miền núi phía Bắc, các tỉnh Tây Nguyên; tuyên truyền triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII); tuyên truyền tình hữu nghị giữa Việt Nam với Campuchia (đề cương đã được Ban Tuyên giáo Thành ủy đăng trên Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ: http://bantuyengiao.cantho.gov.vn); tuyên truyền ý nghĩa chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm chính thức Hàn Quốc; tuyên truyền Chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2019; tuyên truyền Đại hội Hội Nông dân Việt Nam; tiếp tục tuyên truyền Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sắp tới. Ngoài ra, về công tác tuyên truyền miệng, đề nghị các đồng chí cần đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền,… theo đó, Ban Tuyên giáo Trung ương chuyển sang hình thức Hội nghị trực tuyến để cung cấp thông tin nhanh nhất, trực tiếp nhất, chính xác nhất đến đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp.




Ngọc Duy

Chia sẻ bài viết:  
  In bài viết