XÃ HỘI – PHÁP LUẬT

Phát huy tinh thần đoàn kết của Nhân dân Việt Nam trong phòng, chống dịch COVID-19
Cập nhật lúc 07:23 ngày 13/07/2021 - Số lượt xem: 287


Đoàn kết là truyền thống quý báu của dân tộc ta, là động lực để Nhân dân vượt qua bao khó khăn, gian khổ. Như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định:“Muốn thắng lợi thì mỗi người phải dựa vào lực lượng của số đông người, tức là của tập thể, của xã hội. Riêng lẻ từng cá nhân thì nhất định không thắng nổi tự nhiên, không sống còn được. Để sống còn, loài người lại phải sản xuất mới có ăn, có mặc. Sản xuất cũng phải dựa vào lực lượng của tập thể, của xã hội. Chỉ riêng lẻ cá nhân cũng không sản xuất được. Thời đại chúng ta là thời đại văn minh, thời đại cách mạng, mọi việc càng phải dựa vào của tập thể, của xã hội; cá nhân càng không thể đứng riêng lẻ mà càng phải hòa mình trong tập thể, trong xã hội” 1.


Đồng chí Nguyễn Trung Nhân (thứ 3, từ phải sang), Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN thành phố, tiếp nhận tiền của Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang
ủng hộ mua vaccine phòng, chống dịch COVID-19 của thành phố. Ảnh: Ngọc Quyên.

Phát huy truyền thống của dân tộc trong thời gian phòng, chống dịch bệnh COVID -19, đã xuất hiện rất nhiều hình ảnh, việc làm rất ý nghĩa thể hiện sâu sắc tình đoàn kết của Nhân dân Việt Nam.

Ngay từ cuối tháng 12/2019, khi có những ca bệnh đầu tiên ở thành phố Vũ Hán (Trung Quốc), Chính phủ Việt Nam đã nhanh chóng họp bàn, đưa ra các biện pháp phòng, ngừa. Công tác truyền thông được triển khai hiệu quả ngay từ những ngày đầu, chính quyền và người dân luôn ở tâm thế chủ động, không chủ quan, lơ là với dịch bệnh. Cuối tháng 01/2020, khi bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona chủng mới gây ra lây lan ở 18 quốc gia trên thế giới, Trung ương Đảng đã nhận định đây là dịch bệnh mới, nguy hiểm, lây lan nhanh, chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu nên diễn biến phức tạp, có khả năng lan rộng và bùng phát rất cao. Vì thế, Ban Bí thư đã ban hành Công văn số 79-CV/TW ngày 29/01/2020 về việc phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona gây ra, coi đây là nhiệm vụ “trọng tâm, cấp bách” để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể Nhân dân khẩn trương thực hiện quyết liệt các biện pháp để phòng, chống dịch bệnh. Bộ Chính trị kêu gọi toàn thể đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước hãy đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa. 

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ra Lời kêu gọi: “Toàn thể dân tộc Việt Nam ta hãy cùng chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức để chiến thắng đại dịch COVID-19”2. Thông điệp về đoàn kết: “Toàn thể đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài hãy đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng. Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh”3.

Cuối tháng 3/2020, khi dịch bệnh tái bùng phát, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 và Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, tiến hành giãn cách xã hội trong 15 ngày đầu tháng 4/2020. Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế và đời sống người dân. Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 và ban hành Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Ngày 19/10/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 54/NQ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Theo đó, Chính phủ đã nhanh chóng giải ngân gói cứu trợ hơn 62.000 tỷ đồng, giúp 20 triệu người dân có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Cùng nhiều chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp gặp khó khăn.

Chính sự huy động kịp thời, quyết liệt, nhanh chóng của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, đồng thuận, chung sức của Nhân dân; công tác phòng, chống dịch bệnh đã đạt được những kết quả khả quan. Việt Nam kiểm soát tốt tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng, triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch. Công tác truyền thông hiệu quả, nâng cao tinh thần cảnh giác và sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân.

Thế giới bày tỏ ấn tượng trước những kết quả Việt Nam đã làm được. Nhiều hãng tin quốc tế lớn như “Reuter, AFP, Daily Mail, Express.co.uk, Aljazeera, Today Online, Nikkei Asian Review, RTHK News... đánh giá cao Chính phủ Việt Nam đã “làm hết sức mình”. Sputnik của Nga nhận xét y học của Việt Nam kết hợp giữa phương Đông và phương Tây đã đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế cao. Tháng 7/2020, Courthouse New Service của Mỹ đánh giá Việt Nam là “vô địch thế giới không có đối thủ cạnh tranh” trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19”4.

“Trang mạng The Diplomat viết “Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm, đặt sinh mạng, sức khỏe và cuộc sống của người dân lên hàng đầu, luôn công khai, minh bạch thông tin về dịch bệnh, từ đó có được niềm tin của người dân”. Tạp chí Lữ hành nổi tiếng Travel Daily thì ca ngợi “Việt Nam là hình mẫu anh hùng đích thực của năm 2020… Những thử thách mà Việt Nam đối mặt và vượt qua cho thấy sức mạnh kiên cường của Nhân dân và tài trí sáng tạo của ban lãnh đạo đất nước, thu phục sự kính trọng, ngưỡng mộ chân thành của cộng đồng thế giới và nâng cao uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế”. Tờ Deutshe Welle của Đức đã chỉ ra nguyên nhân đưa tới thành công là “Chính phủ đã coi cuộc đấu tranh chống dịch bệnh như chiến dịch quân sự và huy động toàn dân”.

        Trang The Conversation của Mỹ ca ngợi “tinh thần cao quý của con người. Mỗi cuộc phỏng vấn chúng tôi thực hiện tại Việt Nam đều nhắc nhở chúng tôi về giá trị tinh thần cao quý của con người. Những tấm gương sáng đáng khâm phục về tình đoàn kết có thể giúp tất cả chúng ta vượt qua cuộc khủng hoảng này”. Trưởng Đại diện Thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam, bà Caitlin Wiesen từng nhấn mạnh: “Việt Nam ứng phó thành công đại dịch COVID-19 là một câu chuyện truyền cảm hứng”, trong đó tính minh bạch, trách nhiệm giải trình, gắn kết xã hội là chìa khóa thành công”5.

  Những đánh giá của cộng đồng quốc tế chính là minh chứng rõ nhất cho thấy sự quan tâm, ứng phó kịp thời, quyết liệt, đúng đắn của Đảng, Chính phủ Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID -19.

Theo điều tra của Viện Dư luận và Xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương với 21.277 lượt người tham gia trả lời vào năm 2020, có 85% người dân hoàn toàn tin tưởng Việt Nam sẽ khống chế, dập tắt dịch COVID-196. Vì Việt Nam luôn đặt sức khỏe của người dân lên trên hết, sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế trước mắt để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân. Nhưng trên hết, công tác chống dịch đạt hiệu quả chính là nhờ “Ý Đảng – Lòng Dân”, sự tin tưởng, đoàn kết, đồng lòng ủng hộ của người dân vào Đảng, Nhà nước. Người dân chấp hành nghiêm những quy định phòng, chống dịch của Chính phủ đã mang lại những kết quả tích cực trong thời gian vừa qua.

Với tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của dân tộc Việt Nam. Các tầng lớp Nhân dân, bằng khả năng của mình, đã đóng góp vật chất, tinh thần, ý tưởng trong các đợt dịch bùng phát, các địa phương luôn hỗ trợ nhau từ con người, vật chất, tinh thần, cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Rất nhiều câu chuyện đẹp và cảm động đã được lan tỏa trong 4 đợt dịch ở Việt Nam: nhiều cây ATM gạo được chế tạo, những quán ăn không đồng hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn trong đợt dịch đầu tiên ở thành phố Hồ Chí Minh. Rất nhiều những chuyến hàng từ thiện từ khẩu trang, nước rửa tay đến các đồ dùng thiết yếu từ nhiều nơi được gửi về vùng tâm dịch, những địa phương bị phong tỏa, cách ly, những phần quà thiết yếu dành cho người có hoàn cảnh khó khăn ở các tỉnh, thành trong những lần dịch bùng phát. Trong đợt dịch thứ 2 lây lan ở thành phố Đà Nẵng vào tháng 7/2020, ngoài sự chi viện của ngành y tế, người dân cả nước đã cùng động viên thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch, góp sức, góp tiền, nhu yếu phẩm, kịp thời viện trợ cho lực lượng tuyến đầu và các khu cách ly tập trung. Trên các mạng xã hội, nhiều khẩu hiệu cổ vũ xuất hiện: “Đà Nẵng cố lên”, “Đà Nẵng quyết chiến - quyết thắng đại dịch”. Các doanh nghiệp hỗ trợ gạo, trang thiết bị y tế. Các nghệ sĩ tổ chức chương trình, quyên góp ủng hộ các địa phương Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Đắk Lắk, Hà Nội, hhành phố Hồ Chí Minh trong đợt dịch này.

Đến đợt dịch thứ 3 bùng phát ở tỉnh Hải Dương vào đầu năm 2021, Nhân dân cả nước tiếp tục hỗ trợ về tâm dịch, thành phố Hải Phòng là địa phương ủng hộ hàng tỷ đồng cho nhiều tỉnh, thành khác trong các đợt dịch. Đặc biệt, thành phố Hải Phòng cử đoàn cán bộ y tế sang hỗ trợ tỉnh Hải Dương. Cũng trong thời gian này, xảy ra tình trạng các đối tượng vượt biên giới Tây Nam trái phép dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch ở các tỉnh miền Tây Nam bộ. Chính phủ, Bộ Y tế đã nhanh chóng, chỉ đạo kịp thời áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch; lực lượng biên phòng tăng cường tuần tra 24/24 ngăn chặn tình trạng vượt biên trái phép. Các chuyên gia của Bệnh viện Chợ Rẫy (thành phố Hồ Chí Minh) được cử tham gia hỗ trợ xây dựng bệnh viện dã chiến tại Hà Tiên - Kiên Giang.

Từ cuối tháng 4/2021 đến nay, nước ta đang phải chống đợt dịch thứ 4 bùng phát ở nhiều tỉnh, thành. Tinh thần đoàn kết càng được lan tỏa, đó là sự đoàn kết của các y, bác sĩ, họ chấp nhận xa gia đình, gác chuyện vui riêng xung phong đi vào những vùng tâm dịch; hàng ngàn chiến sĩ, bộ đội nhường nơi ở làm khu cách ly cho người dân, lực lượng bộ đội biên phòng phải làm việc liên tục trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, cơ sở vật chất thiếu thốn, hàng trăm sinh viên các trường đại học y dược, học viện biên phòng tình nguyện hỗ trợ những tỉnh, thành có dịch bệnh. Xuất phát từ tình cảm chân thành cho đội ngũ chống dịch tuyến đầu, các bác sĩ Bệnh viện Y học cổ truyền thuộc Bộ Công an vừa được nghiệm thu thành công chiếc áo bảo hộ có khả năng điều hòa thân nhiệt dành cho đội ngũ y, bác sĩ tại tâm dịch Bắc Giang. Hai tỉnh Quảng Ninh, Thái Nguyên cử các đoàn y, bác sĩ, điều dưỡng tiếp sức cho tỉnh Bắc Giang. Tỉnh Nghệ An cũng cử đội ngũ y tế sang hỗ trợ tỉnh Hà Tĩnh. Các tổ chức, doanh nghiệp, đoàn thể chung tay hỗ trợ, cổ vũ tinh thần cho đội ngũ tuyến đầu chống dịch tại thành phố Hồ Chí Minh. Các cơ quan thông tin truyền thông, các ban, ngành, đoàn thể quần chúng và các lực lượng khác có liên quan đang ngày đêm thực hiện nhiệm vụ tại các chốt gác, khu vực cách ly ở khắp các tuyến, địa bàn trong cả nước. Ngày 05/6/2021, Quỹ Vaccine phòng, chống COVID-19 chính thức ra mắt nhằm tiếp nhận, quản lý, sử dụng nguồn vaccine được tài trợ, hỗ trợ, đóng góp ở trong và ngoài nước cùng với nguồn lực Nhà nước mua, nhập khẩu, nghiên cứu, sản xuất để đạt mục tiêu đến cuối năm 2021 sẽ có 75% dân số Việt Nam được tiêm ngừa vaccine phòng COVID -197, tạo miễn dịch cộng đồng, nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh. Như lời phát biểu của Thủ tướng Chính phủ: Quỹ Vaccine phòng, chống COVID-19 là quỹ của sự nhân ái, của tinh thần đoàn kết, của niềm tin, của trái tim kết nối trái tim. Vì thế đã có hàng ngàn tỷ đồng được các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp ủng hộ cho quỹ, mặc dù các doanh nghiệp gặp khó khăn, ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh. Chính phủ đã chủ động trong công tác ngoại giao để đặt mua, nhận tài trợ, hỗ trợ các loại vaccine từ nước ngoài và đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất vaccine do chính Việt Nam điều chế trong năm 2021.

Nhân dân nhiều địa phương trong cả nước, các tổ chức, cá nhân đã đứng ra kêu gọi, ủng hộ, giúp nông dân những địa phương bị ảnh hưởng dịch bệnh thu mua, tiêu thụ nông sản: giúp nông dân tỉnh Hải Dương tiêu thụ rau xanh, dưa hấu ở Phú Yên hay những ngày gần đây phát động giúp bà con tỉnh Vĩnh Long tiêu thụ khoai lang tím, vải thiều ở tỉnh Bắc Giang. Đó không chỉ là sự giúp đỡ trong lúc khó khăn, mà chính là tình đoàn kết, nghĩa “đồng bào” vốn có trong mỗi con người Việt Nam.

Tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam còn lan tỏa và vượt ra ngoài biên giới để cùng chung sức với cộng đồng quốc tế trong nỗ lực phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Mặc dù còn khó khăn nhưng Việt Nam đã có những hành động hết sức thiết thực, điển hình như tham gia ủng hộ tiền, vật tư y tế, khẩu trang cho Trung Quốc, Lào, Campuchia… để phòng, chống dịch. Đồng thời, tích cực phối hợp với cơ quan chức năng các nước trong vấn đề bảo hộ công dân nước ngoài ở Việt Nam và công dân Việt Nam ở nước ngoài liên quan đến phòng, chống dịch bệnh, tích cực điều trị cho công dân nước ngoài ở Việt Nam.

Trong khi, đại đa số người dân Việt Nam thể hiện tinh thần, trách nhiệm trong việc phòng, chống dịch, vẫn có không ít người đi ngược lại sự cố gắng của cộng đồng. Nhiều bài đăng tải, chia sẻ, phát tán thông tin sai sự thật, không chính xác; xuyên tạc, bôi xấu, cố tình suy diễn làm sai lệch các chủ trương, chỉ đạo công tác chống dịch của Đảng, Nhà nước; kích động, tuyên truyền gây hoang mang, lo lắng trong xã hội. Còn những người không chấp hành các quy định của chính quyền, khuyến cáo của ngành y tế như không đeo khẩu trang, không trung thực trong khai báo y tế. Một số người có hành vi chống đối, tấn công người thi hành công vụ trong phòng, chống dịch ở một vài địa phương như trường hợp người đàn ông ở Quảng Nam dùng cào lúa hành hung cán bộ tại chốt kiểm soát dịch COVID-19. Hoặc một Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện ở Bình Phước không chấp hành quy định ở chốt kiểm soát dịch COVID-19. Những trường hợp này đều đã được xử lý theo quy định pháp luật.

Thực tiễn lịch sử đã cho thấy, khi trong gian khó, truyền thống yêu nước, nhân nghĩa lại được lan tỏa, bồi đắp. Đó là ý thức công dân, trách nhiệm xã hội, kỷ luật, tự giác, là đồng lòng vì cái chung và vì mối an nguy của riêng mỗi người. Mỗi người dân góp phần việc, chia sẻ điều kiện của mình chính là thể hiện tình đoàn kết. Nhân dân nhận thức được mức độ nguy hiểm của dịch bệnh, chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch, tin tưởng vào sự lãnh, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Chính phủ; thực hiện các khuyến cáo của Bộ Y tế, tham gia ủng hộ Quỹ Vaccine phòng, chống COVID-19 do Chính phủ thành lập. Ý thức của mỗi người dân sẽ là những liều vaccine phòng chống dịch, tinh thần đoàn kết chính là hệ miễn dịch của xã hội trước đại dịch.

Có thể thấy tinh thần đoàn kết dân tộc đã và đang được khơi dậy, phát huy cao độ trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Nhân dân Việt Nam tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, “đồng lòng, đồng hành, chia sẻ để chúng ta cùng nhau chiến thắng đại dịch, Nhân dân được sống trong ngôi nhà lớn – Việt Nam an toàn, mạnh khỏe và thịnh vượng. Không có sức mạnh nào lớn hơn sức mạnh của tinh thần đoàn kết, của tình yêu thương, như Bác Hồ kính yêu đã dạy “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”8.

Chu Thị Phương Ngọc

 

----------------------

Tài liệu tham khảo

 


  1. 2, 3: Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài ngày 31/3/2020.

4::http://tuyengiao.vn/nhip-cau-tuyen-giao/85-nguoi-dan-hoan-toan-tin-tuong-viet-nam-se-khong-che-dap-tat-dich-covid-19-127253.
5, 6: https://thanhtra.com.vn/chinh-tri/doi-ngoai/uy-tin-viet-nam-tang-cao-trong-mat-ban-be-quoc-te-177706.html1.
7: https://moh.gov.vn/tin-lien-quan/viet-nam-se-dat-muc-tieu-cung-cap-vac-xin-phong-covid-19-cho-20-dan-so-cuoi-nam-2021.
8: https://laodong.vn/thoi-su/su-dong-long-cua-nhan-dan-la-chia-khoa-mo-canh-cua-lon-thoat-khoi-dai-dich-917258.ldo.





Chia sẻ bài viết:  
  In bài viết