XÃ HỘI – PHÁP LUẬT

Cần Thơ cần làm gì để giữ vai trò trung tâm vùng
Cập nhật lúc 12:53 ngày 16/02/2021 - Số lượt xem: 216
Một góc đô thị Cần Thơ
Một góc đô thị Cần Thơ

Đột phá về nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp; nâng tỉ lệ lao động được đào tạo; trở thành trung tâm chế biến, cung cấp vật tư cho nông nghiệp; tiếp tục mở cửa để tiếp cận với thị trường và xây dựng một hệ thống dịch vụ hậu cần là những vấn đề lớn cần tháo gỡ để Cần Thơ thực sự đóng vai trò trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long.


Đột phá về nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp; nâng tỉ lệ lao động được đào tạo; trở thành trung tâm chế biến, cung cấp vật tư cho nông nghiệp; tiếp tục mở cửa để tiếp cận với thị trường và xây dựng một hệ thống dịch vụ hậu cần là những vấn đề lớn cần tháo gỡ để Cần Thơ thực sự đóng vai trò trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Nhân dịp Xuân mới Tân Sửu 2021, đồng chí Lê Quang Mạnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy TP. Cần Thơ đã có những chia sẻ với Báo Điện tử Chính phủ về định hướng phát triển của Thành phố thủ phủ miền Tây Nam Bộ, được xác định là đầu tàu, động lực thúc đẩy sự phát triển toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị, đâu là những dấu ấn nổi bật của TP. Cần Thơ trong vai trò “đầu tàu” của cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long?

Bí thư Lê Quang Mạnh: Dấu ấn nổi bật được thể hiện qua kết quả 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị “Về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015-2020. Đó là thành phố Cần Thơ từng bước khẳng định được vai trò trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long trên một số lĩnh vực như: Giáo dục và đào tạo, y tế, khoa học và công nghệ, thương mại và dịch vụ… góp phần tích cực vào sự phát triển của vùng và cả nước.

Theo thống kê trong giai đoạn 2006-2019, tăng trưởng kinh tế của Cần Thơ đạt mức bình quân 7,27%/năm, cao hơn mức trung bình toàn quốc, cao nhất trong vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long. Năm 2019, tổng sản phẩm trên địa bàn đạt mức hơn 100.000 tỷ đồng, gấp 5 lần so với năm 2005, đứng đầu vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long, hằng năm đóng góp khoảng 1,8% GDP cả nước, khoảng 3,9% GRDP của 5 thành phố trực thuộc Trung ương, và khoảng 12% GRDP của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tổng sản phẩm bình quân đầu người năm 2020 đạt 91,45 triệu đồng, gấp 7,3 lần so với năm 2005; năng suất lao động không ngừng tăng lên và dẫn đầu toàn vùng với mức 143 triệu đồng/năm.

Nhiều dự án, công trình mới được đầu tư xây dựng làm “thay da đổi thịt” Cần Thơ, khẳng định vị thế của một đô thị lớn ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Cùng với diện mạo đô thị đang ngày càng hiện đại, thành phố Cần Thơ cũng tận dụng lợi thế trung tâm và nguồn lực đầu tư từ Trung ương để tập trung xây dựng nhiều công trình giao thông trọng điểm, mang tính chiến lược, kết nối giữa các địa phương trong vùng với TPHCM và cả nước. Những cơ sở nền tảng đó góp phần giúp Cần Thơ đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Vị trí, vai trò “hạt nhân” của Cần Thơ trong bức tranh kinh tế toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long dường như chưa thật sự rõ nét. Phải chăng vẫn còn những điểm nghẽn kìm hãm sự phát triển của Thành phố?

Bí thư Lê Quang Mạnh: Nhìn nhận thẳng vào thực tế, Cần Thơ đã có bước tiến dài nhưng chưa bền vững. Được đầu tư nhiều nhưng tốc độ tăng trưởng của Cần Thơ chưa cao, chưa tương xứng với tiềm năng. Có một số vấn đề Cần Thơ cần phải cải thiện; cụ thể là chưa có những doanh nghiệp đầu đàn, mang tính lan tỏa, có khả năng làm thay đổi cục diện kinh tế; môi trường kinh doanh chưa hấp dẫn so với các tỉnh khác ở vùng ĐBSCL, chỉ số năng lực cạnh tranh của Cần Thơ đứng hạng 11, chỉ nằm trong nhóm khá, trong khi các tỉnh trong vùng, như Đồng Tháp, Long An, Bến Tre, Vĩnh Long nằm trong nhóm có môi trường cạnh tranh tốt và rất tốt; thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Cần Thơ chưa cao…

Cần Thơ cũng như cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện tại có 3 vấn đề chính đang phải đối mặt, kìm hãm sự phát triển của vùng: Hạ tầng logistics còn yếu, hàng hóa của vùng phần lớn chưa thể xuất khẩu trực tiếp mà còn phải “mượn đường” qua các cảng của TPHCM hoặc Bà Rịa-Vũng Tàu, khiến chi phí cao; chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế, tỷ lệ qua đào tạo của vùng chỉ đạt 13% trong khi bình quân cả nước là 21%; tác động của biến đổi khí hậu với các ngành, nhất là nông nghiệp. Đặc biệt, hệ thống giao thông chưa đồng bộ cũng đang là "điểm nghẽn" lớn khiến Cần Thơ chưa phát triển nhanh và bền vững.

Để làm tốt vai trò “hạt nhân”, trung tâm của vùng, Cần Thơ xác định phải tháo gỡ được những nút thắt quan trọng trong sản xuất nông nghiệp của vùng ĐBSCL hiện nay. Đó là 5 vấn đề: Nông nghiệp của vùng cần có đột phá về nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ; vùng cần phải có những trung tâm đào tạo về kỹ thuật, về công nghệ cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật và cho nông dân; vùng cần có một trung tâm chế biến nông sản, cung cấp vật tư thiết bị máy móc cho nông nghiệp; vùng cần có cửa mở để tiếp cận với các thị trường trong nước và quốc tế; vùng cần xây dựng dịch vụ hậu cần về kho tàng, bến bãi, vận tải.

Đồng chí Lê Quang Mạnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy TP. Cần Thơ.
Đồng chí Lê Quang Mạnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy TP. Cần Thơ.

Trong đó, vấn đề trung tâm là chất lượng nguồn nhân lực thì chúng tôi đã hình thành được những cơ sở đào tạo tốt nhất ĐBSCL với hơn 10 trường đại học và cao đẳng, trong đó Đại học Cần Thơ là một trong 19 trường đại học trọng điểm của Việt Nam. Định hướng phát triển Cần Thơ trong giai đoạn mới đã tính toán các giải pháp phát huy được thế mạnh này để xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực đồng bộ với tiến trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương. Nguồn nhân lực cần được đào tạo dài hơi, chú trọng đến nhân lực chất lượng cao.

Trong bối cảnh hiện nay, đâu là những lợi thế của Cần Thơ? Thành phố sẽ tận dụng những lợi thế của mình như thế nào?

Bí thư Lê Quang Mạnh: Sau khi tổng kết Nghị quyết 45, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 59 “Về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Điều này cho thấy Cần Thơ luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, Trung ương trong vai trò “hạt nhân” của cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là cơ hội quý báu để Đảng bộ, chính quyền, quân dân thành phố Cần Thơ quyết tâm phấn đấu, đoàn kết, tự tin bước vào giai đoạn phát triển mới.

Nghị quyết số 59 của Bộ Chính trị xác định Cần Thơ không chỉ là một cực tăng trưởng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước mà còn đóng vai trò kết nối nước ta với các nước thuộc Tiểu vùng sông Mekong mở rộng. Để nắm bắt kịp thời những cơ hội mới đang đến với vùng Đồng bằng sông Cửu Long như tiến độ triển khai nhanh chóng các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, làn sóng đầu tư của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài…, tới đây, Cần Thơ sẽ tăng cường trách nhiệm của mình trong thúc đẩy liên kết vùng; chủ động tổ chức liên kết với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Trong đó, ưu tiên phối hợp, liên kết trong các hoạt động xúc tiến đầu tư và thương mại, huy động và phân bổ nguồn lực, xây dựng kết cấu hạ tầng; giáo dục-đào tạo, tạo việc làm; chuyển giao công nghệ; xây dựng các tuyến du lịch liên tỉnh,…

Những định hướng lớn của Cần Thơ trong thời gian tới là gì thưa Bí thư?

Bí thư Lê Quang Mạnh: Trong nhiệm kỳ 2020-2025, Thành phố sẽ dồn sức thực hiện 3 khâu đột phá. Trong đó, tập trung phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Đột phá thứ hai là huy động nguồn lực đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội; đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, kết nối nội vùng và liên vùng và liên vận quốc tế. Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý, điều hành; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; đổi mới sáng tạo, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh...

Về giải pháp, sớm hoàn thành và triển khai Quy hoạch thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia và quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, chú trọng quy hoạch đô thị theo hướng đô thị sông nước sinh thái; đầu tư xây dựng phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng đô thị để Cần Thơ thật sự là đô thị hạt nhân của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu; thí điểm xây dựng đô thị thông minh và mô hình quản trị đô thị mới ở một số quận.

Cùng với đó, chú trọng phát triển chính quyền điện tử, kinh tế số,xã hội số và tăng trưởng xanh, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo. Để xứng tầm với vai trò là trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Cần Thơ sẽ tập trung phát triển công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ logistics tập trung với quy mô cấp vùng, cung cấp đầu vào, đầu ra cho chuỗi giá trị hàng hóa và dịch vụ của toàn vùng.

Cùng với phát triển kinh tế, Cần Thơ cũng dành nguồn lực quan trọng để phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, đồng bộ với phát triển kinh tế. Trong đó, đẩy mạnh huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu giáo dục đào tạo và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đồng thời, xây dựng môi trường văn hóa mang đậm bản sắc văn hóa đặc trưng của Thành phố và vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tăng cường chăm lo cho người có công, hỗ trợ người nghèo, đảm bảo an sinh xã hội. Giữ vững quốc phòng - an ninh, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thành phố.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn chinhphu.vn 





Chia sẻ bài viết:  
  In bài viết