KINH TẾ

Cần thiết xây dựng tuyến đường sắt TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ
Cập nhật lúc 01:39 ngày 16/05/2022 - Số lượt xem: 382


Lãnh đạo TP Cần Thơ vừa có buổi làm việc với Ban Quản lý (BQL) Dự án Ðường sắt (DAÐS), Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi DAÐS TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ đoạn đi qua địa phận TP Cần Thơ. Thành phố đề nghị sớm triển khai đầu tư DAÐS trước năm 2030, phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa và hành khách của TP Cần Thơ nói riêng và ÐBSCL nói chung, thúc đẩy vùng phát triển mạnh mẽ trong tình hình mới.


Phương án tuyến đường sắt TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ đoạn đi qua địa phận TP Cần Thơ do đơn vị tư vấn đề xuất.

Nghiên cứu tiền khả thi

Ông Nguyễn Khánh Tùng, Phó Giám đốc BQL DAÐS, cho biết: DAÐS TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ đã được Bộ GTVT tổ chức nghiên cứu lập quy hoạch từ năm 2013 và đã có quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết. Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 1769/QÐ-TTg phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; xác định đường sắt TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ là một trong những dự án cần triển khai sớm. Thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT, từ năm 2013 đến nay, đã có rất nhiều hội nghị nghiên cứu, đề xuất đầu tư dự án. Bộ GTVT giao BQL DAÐS chủ trì thủ tục đầu tư, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi DAÐS TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ. Ban và đơn vị tư vấn tiến hành làm việc với các địa phương để báo cáo quy mô đầu tư dự án, phương án tuyến.

Theo đơn vị tư vấn, DAÐS TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ dự kiến có chiều dài 174,7km (điểm đầu ga An Bình, tỉnh Bình Dương và điểm cuối ga Cái Răng, TP Cần Thơ), trên tuyến bố trí 13 nhà ga. Dự án đi qua 6 địa phương: Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và TP Cần Thơ. Ðây là tuyến đường sắt cấp I, vận tốc 190km/giờ, chạy song song giữa tàu hàng và tàu khách… Riêng đoạn qua TP Cần Thơ có chiều dài tuyến 6,5km (từ sông Hậu đến ga Cái Răng), hướng tuyến chủ yếu đi trên cao, qua khu dân cư Tân Phú chuyển xuống mặt đất đi đến ga Cái Răng.

Theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2030 nghiên cứu để triển khai tuyến đường sắt TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ, đến năm 2050 hoàn thành xây dựng tuyến đường. Trên cơ sở hướng tuyến, đơn vị tư vấn dự báo lưu lượng hành khách và hàng hóa trong giai đoạn nghiên cứu của dự án (từ năm 2030 đến 2055); cụ thể vào năm 2050 hành khách trung bình khoảng 22 triệu lượt/năm và hàng hoá hơn 40 triệu tấn/năm.

Việc đầu tư xây dựng tuyến đường sắt TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ là cần thiết, phù hợp với chủ trương của Ðảng, Chính phủ và chiến lược, quy hoạch phát triển GTVT nói chung, GTVT đường sắt nói riêng, nhằm xây dựng một phương thức vận tải khối lượng lớn, an toàn và tiện lợi, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong toàn vùng ÐBSCL, giảm thiểu tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường… Do đó, để có cơ sở triển khai và hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, đơn vị tư vấn kiến nghị UBND TP Cần Thơ và các cơ quan có thẩm quyền cho ý kiến thống nhất các nội dung: sự cần thiết đầu tư DAÐS TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ, phương án hướng tuyến trên địa phận TP Cần Thơ, vị trí và chức năng ga Cái Răng. Ðồng thời, TP Cần Thơ bố trí quy hoạch quỹ đất để phát triển mô hình TOD xung quanh khu vực nhà ga nhằm tăng tính hấp dẫn, tăng khối lượng hàng hóa và hành khách cho đường sắt; cũng như tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương…

Dự án quan trọng với ĐBSCL

Tại buổi làm việc, các sở, ngành TP Cần Thơ đã góp ý và đề xuất thiết thực cho báo cáo nghiên cứu tiền khả thi DAÐS TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ. Ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ cho biết: Sở phối hợp chặt chẽ với BQL DAÐS, đơn vị tư vấn, có trao đổi và góp ý nhiều lần. Theo quy hoạch đến năm 2030 mới xem xét, tính toán đầu tư DAÐS TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ. Tuy nhiên, từ nay đến năm 2030, cần phải thực hiện một số bước chuẩn bị, trong đó có nghiên cứu tiền khả thi dự án. BQL DAÐS đề xuất đầu tư DAÐS TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ sau năm 2030, nhưng nếu có nguồn vốn và nhà đầu tư, nên tính toán đầu tư sớm hơn, trong giai đoạn 2025-2030. Thực tế, sự phát triển của TP Cần Thơ và các tỉnh ÐBSCL, nhất là sau khi các tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau và Châu Ðốc - Cần Thơ - Sóc Trăng hình thành thì lưu lượng xe sẽ còn lớn hơn gấp nhiều lần…


Lãnh đạo TP Cần Thơ làm việc với BQL DAĐS về nghiên cứu tiền khả thi DAĐS TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ.

Theo ông Trần Lê Bình, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, thành phố đang quy hoạch khu công nghiệp ở Vĩnh Thạnh dự kiến 900ha, khu công nghiệp 500ha ở Ô Môn cũng đang được nghiên cứu đầu tư. Tương lai lâu dài đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045, ngành Công Thương kiến nghị khu vực Vĩnh Thạnh có khoảng 8.000-10.000ha để phát triển công nghiệp, dựa vào trục giao thông Châu Ðốc đến cảng Trần Ðề (Sóc Trăng). Do đó, tính kết nối từ ga đường sắt đến các khu vực phát triển công nghiệp này là cần thiết, nhằm hỗ trợ cho sản xuất công nghiệp trong vấn đề vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt. Quốc hội ban hành Nghị quyết số 45/2022/QH15, trong đó có thành lập Trung tâm liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản ÐBSCL (nằm tại quận Bình Thủy), cũng cần có tính kết nối khu vực này với tuyến đường sắt.

Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè khẳng định: DAÐS TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ rất cần thiết. TP Cần Thơ là đầu mối giao thông của vùng ÐBSCL theo tinh thần Nghị quyết 59-NQ/TW của Bộ Chính trị; tuyến đường sắt phục vụ cho nhu cầu vận chuyển hàng hóa và hành khách vùng ÐBSCL, kết nối khu vực ÐBSCL với TP Hồ Chí Minh và các vùng khác của cả nước. Tuyến đường sắt này cần được đầu tư sớm, trước năm 2030, để phục vụ nhu cầu phát triển ÐBSCL trong giai đoạn mới và tình hình mới. Liên quan đến phương án tuyến, TP Cần Thơ thống nhất với đơn vị tư vấn là đoạn đi qua thành phố là đường sắt trên cao, hướng tuyến trùng với trục đường 1A và đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Về tên gọi nhà ga Cái Răng, thành phố đề nghị đổi thành nhà ga Cần Thơ.

Ông Nguyễn Ngọc Hè yêu cầu các sở: Kế hoạch và Ðầu tư, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, GTVT và quận Cái Răng trên tinh thần trao đổi, thống nhất với BQL DAÐS, đơn vị tư vấn để triển khai thực hiện. Rà soát, cập nhật lại phương án tuyến đường sắt, đưa vào quy hoạch tích hợp của thành phố. Quy hoạch, bố trí lại quỹ đất khu vực nhà ga phù hợp, quy hoạch các tuyến đường kết nối vào khu vực nhà ga, nhằm khai thác hiệu quả tuyến đường sắt phục vụ vận chuyển hàng hóa và hành khách cho vùng ÐBSCL.

Bài, ảnh: Phúc Bảo





Chia sẻ bài viết:  
  In bài viết