KINH TẾ

Cần Thơ khôi phục phát triển kinh tế - xã hội
Cập nhật lúc 06:24 ngày 12/05/2022 - Số lượt xem: 298


Với việc kiểm soát tốt dịch COVID-19, các hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn TP Cần Thơ đang dần khôi phục và phát triển tốt. Qua 4 tháng đầu năm 2022, nhiều ngành, lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội của thành phố đã đạt được mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2021. Các hoạt động xúc tiến thương mại và hoạt động văn hóa, du lịch dần trở lại như trước góp phần kích cầu tiêu dùng, nâng giá trị thương mại của thành phố.


Mua bán hàng tại Siêu thị Co.opmart Cần Thơ.

Nhiều lĩnh vực đạt tăng trưởng cao

Ông Lê Thanh Tâm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, cho biết: “Trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm, tình hình kinh tế - xã hội thành phố tiếp tục duy trì đà phục hồi tích cực, đạt nhiều kết quả khởi sắc và khá toàn diện trên các lĩnh vực. Công tác an sinh xã hội được triển khai tích cực, đời sống của người dân được đảm bảo. Các hoạt động sản xuất kinh doanh đang dần khôi phục. Hoạt động vui chơi, giải trí, văn hóa, nghệ thuật và trường học mở cửa trở lại gắn với đảm bảo an toàn phòng dịch bệnh. Đặc biệt, thành phố đã tổ chức thành công chuỗi sự kiện Khánh thành Đền thờ Vua Hùng, Giỗ Tổ Hùng Vương, Liên hoan Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ III và Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ lần thứ IX năm 2022…”.

Nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội của thành phố cũng đã đạt được mức tăng trưởng cao so cùng kỳ. Đáng chú ý, hoạt động sản xuất công nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực. Hiện hầu hết các doanh nghiệp đã hoạt động trở lại bình thường và nỗ lực ổn định, phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh thích ứng với tình hình mới. Qua 4 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 12,84% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến và chế tạo tăng 15,55%, ngành phân phối điện tăng 4,39%, hoạt động quản lý xử lý rác thải tăng 5,4%.

Hiện tất cả các chợ đã hoạt động trở lại, các hoạt động lưu chuyển hàng hóa và dịch vụ thương mại, du lịch từng bước trở nên sôi động trở lại, phục vụ nhu cầu vui chơi, mua sắm của người dân. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của thành phố trong 4 tháng đầu năm ước thực hiện hơn 37.278 tỉ đồng, đạt 21,02% kế hoạch, tăng 16,61% so với cùng kỳ năm 2021. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước thực hiện 638,9 triệu USD, đạt 33,86%, tăng 11,26% so với cùng kỳ năm 2021. Thành phố đã đón hơn 2,2 triệu lượt khách du lịch, đạt 55,2% kế hoạch, tăng 44% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu từ du lịch ước đạt 1.257 tỉ đồng, đạt 37% kế hoạch, tăng 30% so cùng kỳ năm 2021.

Dịch bệnh trên địa bàn thành phố được kiểm soát đã tạo niềm tin, sự an tâm cho người dân, doanh nghiệp để tập trung phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Dịp lễ 30-4 và 1-5 vừa qua, nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch cũng diễn ra sôi nổi, thu hút đông đảo khách du lịch đến thành phố. Đây là những tín hiệu đáng mừng, cho thấy các hoạt động kinh tế - xã hội của thành phố có sự phục hồi tốt trong điều kiện thành phố đã vận dụng linh hoạt, có hiệu quả Nghị quyết 128 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

Tháo gỡ khó khăn

Hiện thành phố vẫn còn gặp một số khó khăn và hạn chế trong phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch năm. Đó là tiến độ thực hiện các công trình xây dựng cơ bản và giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. Thu hút đầu tư chưa có nhiều tiến triển tốt, nhất là thu hút đầu tư nước ngoài. Hoạt động sản xuất và kinh doanh của người dân và doanh nghiệp còn gặp không ít khó khăn do chịu ảnh hưởng của các loại dịch bệnh, thiên tai và sự tăng giá của nhiều loại nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất. Đời sống một bộ phận nhân dân còn khó khăn, nhất là ở vùng nông thôn. Dịch COVID-19 dù được kiểm soát nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ có thể xuất hiện những biến chủng mới. Trước tình hình này, đòi hỏi các sở ngành thành phố, địa phương và đơn vị có liên quan cần tích cực vào cuộc để tháo gỡ kịp thời các khó khăn và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp và người dân khôi phục, phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Theo ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Cần Thơ, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp. Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình xây dựng và giải ngân vốn, cần phân ra các công việc cho rõ gắn với trách nhiệm cụ thể của các bên liên quan, nhất là trách nhiệm của chủ đầu tư trong công tác quản lý nhà thầu, thúc đẩy tiến độ. Đặc biệt, để triển khai thực hiện các dự án thì công tác giải phóng mặt bằng rất quan trọng và rất cần sự tích cực vào cuộc của UBND các quận, huyện trong công tác này nhằm kịp thời bàn giao mặt bằng, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ các công trình…

Để tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, các sở ngành thành phố và địa phương cũng xác định cần tiếp tục quan tâm chủ động phòng, chống dịch COVID-19. Đồng thời, tập trung đẩy mạnh thực hiện các công trình, dự án đầu tư phát triển hạ tầng, giao thông. Ông Bùi Văn Kiệt, Phó Chủ tịch UBND huyện Cờ Đỏ, cho biết: “Tới đây, huyện quan tâm đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để đảm bảo tiến độ và chất lượng. Tập trung công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư đối với các công trình do thành phố đầu tư trên địa bàn, cũng như do huyện làm chủ đầu tư. Thực hiện tốt công tác thu hồi nợ đọng, hạn chế phát sinh nợ thuế mới, đảm bảo chi ngân sách kịp thời, tiết kiệm, đúng luật. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia theo tiến độ đề ra. Quan tâm nâng chất các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao tại 2 xã theo kế hoạch và phấn đấu xây dựng một xã nông thôn mới kiểu mẫu...”.

Tại phiên họp trực tuyến thường kỳ UBND TP Cần Thơ với các địa phương về tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm tháng 5-2022, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường yêu cầu các sở, ngành và địa phương vào cuộc quyết liệt và có các giải pháp triển khai thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch đạt hiệu quả cao trong thời gian tới. Tập trung thực hiện tốt các nghị quyết, kết luận, đề án, chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy, HĐND thành phố, các chương trình, kế hoạch của UBND thành phố. Bám sát tình hình, chủ động giải quyết vấn đề phát sinh theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn.

Chủ tịch UBND thành phố đã giao Sở Y tế, UBND quận, huyện tiếp tục triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, Viện Kinh tế - Xã hội và các cơ quan có liên quan tham mưu tổ chức hội nghị phân tích, đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), kết hợp rà soát, tháo gỡ các vướng mắc cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, điểm nghẽn về huy động, sử dụng nguồn lực trong nền kinh tế, tìm cách đẩy nhanh lộ trình cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND các quận, huyện theo dõi sát tình hình thiên tai, mưa bão, sạt lở và dịch bệnh trên các loại cây trồng và vật nuôi để có giải pháp chủ động ứng phó...

Bài, ảnh: An Khánh





Chia sẻ bài viết:  
  In bài viết