KINH TẾ

Linh hoạt đảm bảo an toàn sản xuất, thực hiện hiệu quả "mục tiêu kép"
Cập nhật lúc 06:27 ngày 05/10/2021 - Số lượt xem: 403


Sáng 05/10, đồng chí Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cùng đồng chí Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND thành phố chủ trì hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến với doanh nghiệp về việc khôi phục sản xuất, mở lại hoạt động sau thời gian thành phố thực hiện giãn cách xã hội. Hội nghị là dịp để lãnh đạo thành phố lắng nghe doanh nghiệp (DN) chia sẻ kinh nghiệm, thực tiễn triển khai các phương án đảm bảo an toàn sản xuất trong thời gian qua nhằm có những định hướng hỗ trợ, tiếp sức kịp thời, phù hợp cho việc mở cửa kinh tế theo lộ trình, thực hiện hiệu quả "mục tiêu kép".


Chủ tịch UBND thành phố Trần Việt Trường phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

* Giữ vững hậu phương "3 tại chỗ"

Triển khai mở cửa nền kinh tế theo lộ trình, thành phố khẳng định rất cần sự đồng lòng, ủng hộ từ phía DN. Về phía các DN đều bày tỏ phấn khởi khi dịch bệnh được kiểm soát, đây là điều kiện thuận lợi cho DN mở lại sản xuất, kết nối lại chuỗi cung ứng. Một số DN cho rằng việc thực hiện "vừa cách ly, vừa sản xuất" theo "3 tại chỗ" gần 3 tháng qua làm phát sinh nhiều chi phí nhưng quan trọng là người lao động được đảm bảo an toàn, hoạt động sản xuất được giữ vững. Bà Vũ Thị Hương Lan, Giám đốc nhân sự Công ty CP Dược Hậu Giang, chia sẻ: Dược Hậu Giang có cơ sở vật chất thuận lợi để thực hiện 3 tại chỗ ở nhà máy tại TP Cần Thơ và nhà máy tại Khu công nghiệp Tân Phú Thạnh, tỉnh Hậu Giang. Riêng nhà máy tại TP Cần Thơ đang hoạt động với hơn 200/700 công nhân hiện có. Dù công suất hoạt động chỉ đạt khoảng 30%, song khi TP Cần Thơ chuyển sang thực hiện Chỉ thị 15/CT-TTg, công ty vẫn vận hành theo phương án "3 tại chỗ" để đảm bảo an toàn. Công ty sẽ có lộ trình cho công nhân đi về hằng ngày khi toàn bộ nhân viên được tiêm đủ 2 mũi vaccine. Hiện tỷ lệ này chỉ đạt khoảng 20%.

Ông Huỳnh Trung Quang, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thép Tây Đô cho biết: Sau gần 3 tháng sản xuất "3 tại chỗ", công ty thực hiện đồng loạt 2 nhiệm vụ là vừa sản xuất kinh doanh vừa đầu tư phát triển. Giãn cách xã hội khiến thị trường nội địa sụt giảm nhưng công ty vẫn giữ vững thị trường xuất khẩu với sản lượng thép xuất khẩu mỗi tháng từ 7.000-8.000 tấn. Đầu tháng 10 công ty đang có đơn hàng xuất khẩu 3.700 tấn từ cảng Hoàng Diệu đi Campuchia. Thép Tây Đô thực hiện "3 tại chỗ" với 310 lao động của công ty là lao động chính và lao động học việc sản xuất thép và 60 lao động của các nhà thầu xây dựng dự án nhà máy luyện thép. Theo ông Quang, thực hiện "3 tại chỗ" chi phí tăng nhiều nhưng các DN đã đầu tư từ ban đầu thì nên tiếp tục củng cố, xem đây là nền tảng để khi dịch có diễn biến phức tạp DN có thể tái khởi động lại ngay.

* Linh hoạt, chủ động thích ứng


Doanh nghiệp tham gia phát biểu tại hội nghị.

Hoạt động lại theo phương án "2 tại chỗ - vùng xanh" từ đầu tháng 10, Công ty CP May Tây Đô kiểm soát công nhân đi về từ công ty đến nơi ở vùng xanh với trên 600 công nhân. Lực lượng lao động này đã được tiêm 1 hoặc 2 mũi vaccine và được công ty test nhanh SARS-CoV-2 khi vào làm việc. Theo ông Ngô Văn Chơn, Giám đốc Điều hành Công ty CP May Tây Đô, công ty thành lập cơ sở dữ liệu để nắm chặt thông tin về địa bàn cư trú của công nhân, đảm bảo là vùng xanh an toàn và cập nhật thông tin thường xuyên, liên tục để có giải pháp thích ứng kịp thời. Công ty cũng chuẩn bị sẵn nhiều phương án khác nhau để khi có tình huống phát sinh sẽ áp dụng ngay. Đối với 50% số công nhân còn lại do chưa tiêm vaccine nên chưa huy động trở lại làm việc, Công ty đã thanh toán lương tháng 7 dù chỉ làm việc nửa tháng, ứng trước kinh phí hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP và có hỗ trợ thêm để người lao động yên tâm gắn bó với công ty. Vì vậy công ty cũng đề xuất Sở Lao động-Thương binh và Xã hội sớm có hướng dẫn các thủ tục cần thiết theo quy định. Công ty cũng mong muốn thành phố tạo điều kiện tiêm vaccine nhanh chóng cho số lao động chưa đi làm lại được do chưa tiêm vaccine.

Nêu cao yếu tố an toàn, linh hoạt, thực hiện các phương án đảm bảo an toàn sản xuất trong nội bộ nhà máy; rèn luyện ý thức phòng chống dịch và nâng lên thành nề nếp, kỷ luật cho người lao động là vấn đề được ông Nguyễn Văn Bắc, Phó Giám đốc Công ty TNHH May xuất khẩu Việt Thành, nhấn mạnh. Theo ông Bắc, sau 3 tháng thực hiện "3 tại chỗ" kết hợp "1 cung đường, 2 điểm đến", công ty đã lên kế hoạch chuyển dần sang phương án "2 tại chỗ - vùng xanh" trong tháng 10. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn hơn, công ty thay đổi kế hoạch và dự kiến sang tháng 11 mới xem xét thực hiện phương án này. Trước mắt, công ty tập trung rèn luyện kỷ luật cho người lao động phân nhóm làm việc từ 2-3 người để hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ. Đa phần đối tác của chuỗi cung ứng ở nhiều quốc gia. Để ký kết hợp đồng, các đối tác cũng yêu cầu nhà máy phải trình phương án đảm bảo an toàn nhất cho nhà máy. Vì vậy, DN đã trình phương án "5K, an toàn, linh hoạt" để đối tác yên tâm đặt hàng.

Tại hội nghị, đồng chí Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, khẳng định: Nhiều DN thể hiện quyết tâm mở cửa khôi phục hoạt động an toàn, không để đứt gãy dây chuyền sản xuất. Thành phố mong muốn DN linh hoạt bố trí làm việc theo chuyền, tổ, nhóm và ngành Y tế cần có hướng dẫn về lấy mẫu test đại diện để giảm tốn kém cho DN. Những DN thực hiện "2 tại chỗ - vùng xanh", "1 cung đường, nhiều điểm đến" khuyến khích người lao động cài đặt và kiểm tra mã QR để đảm bảo an toàn khi di chuyển. Đồng chí Trần Việt Trường nhấn mạnh: Thành phố giao ngành Y tế tập trung điều tiết, tổ chức tiêm phòng ngay cho lực lượng tuyến đầu của giai đoạn phục hồi kinh tế là người lao động trong các DN sản xuất, xuất khẩu, các lực lượng tham gia trong các ngành hàng, chuỗi cung ứng, tài xế, giao hàng, tiểu thương, DN trong lĩnh vực nông nghiệp, những người thu gom vận chuyển nguyên liệu nông sản, thủy sản về nhà máy chế biến...

Chủ tịch UBND thành phố Trần Việt Trường:

Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường nhanh chóng hoàn thiện quy hoạch đô thị, quy hoạch sử dụng đất, tham mưu về xây dựng nhà ở cho công nhân bởi đây là vấn đề rất cấp bách. Từ sự chủ động đề xuất của nhiều DN có thể định hướng nghiên cứu xây dựng, hình thành "làng văn hóa công nhân", tạo điều kiện để công nhân khôi phục sức khỏe, yên tâm cống hiến cho DN. Ngành Ngân hàng tiếp tục quan tâm miễn giảm lãi vay, giãn nợ, gia hạn nợ, hỗ trợ vay vốn để DN phục hồi sản xuất kinh doanh, đảm bảo dòng tiền sử dụng đúng mục đích. Các sở, ban, ngành, quận, huyện phối hợp thẩm định và phê duyệt nhanh phương án phục hồi sản xuất của DN, triển khai ngay chế độ chính sách hỗ trợ cho người lao động. Với việc áp dụng linh hoạt các phương án phục hồi sản xuất, mong cộng đồng DN tiếp tục đồng lòng cùng thành phố vượt qua khó khăn, đưa nền kinh tế sớm phục hồi và phát triển.

Bài, ảnh: Minh Huyền

Theo Báo Cần Thơ





Chia sẻ bài viết:  
  In bài viết