THEO GƯƠNG BÁC – NGƯỜI TỐT, VIỆC TỐT

Tiếp tục quán triệt và thực hiện những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục
Cập nhật lúc 07:59 ngày 19/11/2020 - Số lượt xem: 427

Có thể nói, đến nay những chỉ dẫn hết sức quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh về mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung và phương pháp giáo dục nhằm phát triển một nền giáo dục toàn diện gần như là vấn đề có tính phổ cập. Tuy vậy, nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 năm nay, tôi xin tổng hợp lại những chỉ dẫn của Bác về giáo dục để giúp cán bộ, đảng viên, nhất là những đồng chí trực tiếp làm công tác giáo dục và đào tạo củng cố thêm nhận thức, có nhiều sáng tạo hữu ích, thiết thực trong việc phát triển giáo dục và đào tạo thành phố Cần Thơ.


Có thể nói, đến nay những chỉ dẫn hết sức quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh về mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung và phương pháp giáo dục nhằm phát triển một nền giáo dục toàn diện gần như là vấn đề có tính phổ cập. Tuy vậy, nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 năm nay, tôi xin tổng hợp lại những chỉ dẫn của Bác về giáo dục để giúp cán bộ, đảng viên, nhất là những đồng chí trực tiếp làm công tác giáo dục và đào tạo củng cố thêm nhận thức, có nhiều sáng tạo hữu ích, thiết thực trong việc phát triển giáo dục và đào tạo thành phố Cần Thơ.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta phải xây dựng nền giáo dục Việt Nam là nền giáo dục toàn diện, nền giáo dục mang tính Nhân dân sâu sắc, nền giáo dục không phải chỉ dành riêng cho một số người hoặc một giai cấp mà cho toàn thể quốc dân Việt Nam. Ảnh minh họa: PV.

Thứ nhất, mục tiêu của giáo dục phải đáp ứng nhiệm vụ xây dựng và phát triển đất nước      

Giáo dục gắn với nhiệm vụ xây dựng và phát triển đất nước là mục tiêu hàng đầu của giáo dục. Điều này được Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rõ trong Thư gửi các học sinh nhân Ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà, tháng 9/1945, Người viết: “Ngày nay các em được cái may mắn hơn cha anh là được hấp thụ một nền giáo dục của một nước độc lập, một nền giáo dục nó sẽ đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam... Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”[1]. Tiếp tục thực hiện sự chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta đã xác định mục tiêu của giáo dục và đào tạo trong thời kỳ mới là: “Tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của Nhân dân”[6].

 Thứ hai, xây dựng nền giáo dục Việt Nam là nền giáo dục toàn diện

 Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta phải xây dựng nền giáo dục Việt Nam là nền giáo dục toàn diện, nền giáo dục mang tính Nhân dân sâu sắc, nền giáo dục không phải chỉ dành riêng cho một số người hoặc một giai cấp mà cho toàn thể quốc dân Việt Nam. Sau ngày đất nước giành được độc lập, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, Người xác định công việc phải thực hiện cấp tốc lúc này là nâng cao dân trí, mọi người Việt Nam phải có kiến thức mới để tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà và trước hết phải biết đọc, biết viết.

Giáo dục toàn diện, theo Hồ Chí Minh, bao gồm thể dục, trí dục, mỹ dục, đức dục và kết hợp các nội dung trên. Người chỉ rõ: (1) Thể dục: Để làm thân thể mạnh khoẻ, đồng thời cần giữ vệ sinh riêng và vệ sinh chung; (2) Trí dục: Ôn lại những điều đã học, học thêm những tri thức mới; (3) Mỹ dục: Để phân biệt cái gì là đẹp, cái gì là không đẹp; (4) Đức dục: Là yêu Tổ quốc, yêu Nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, yêu trọng của công (5 cái yêu); (5) Các em cần rèn luyện đức tính thành thật và dũng cảm: (i) Ở trường, thì kính thầy, yêu bạn, đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau; (ii) Ở nhà, thì yêu kính và giúp đỡ cha mẹ; (iii) Xã hội thì tuỳ sức mình mà tham gia những việc có ích lợi chung...”[2].

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ dẫn việc vận dụng nội dung giáo dục cho mỗi lứa tuổi, mỗi cấp học, bậc học: (1) Đối với “Đại học thì cần kết hợp lý luận khoa học với thực hành, ra sức học lý luận và khoa học tiên tiến của các nước bạn, kết hợp với thực tiễn nước ta, để thiết thực giúp ích cho công cuộc xây dựng nước nhà; (2) Trung học thì cần đảm bảo cho học trò những tri thức phổ thông chắc chắn, thiết thực, thích hợp với nhu cầu và tiền đồ xây dựng nước nhà, bỏ những phần nào không cần thiết cho đời sống thực tế; (3) Tiểu học thì cần giáo dục các cháu thiếu nhi: Yêu Tổ quốc, yêu Nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, trọng của công. Cách dạy phải nhẹ nhàng và vui vẻ, chớ gò ép thiếu nhi vào khuôn khổ của người lớn. Phải đặc biệt chú ý giữ gìn sức khoẻ của các cháu”[3].

Ngày nay, chúng ta đang ra sức xây dựng nền giáo dục Việt Nam “phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả”: (1) Đối với giáo dục mầm non, giúp trẻ phát triển thể chất, tình cảm, hiểu biết, thẩm mỹ, hình thành các yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị tốt cho trẻ bước vào lớp 1; (2)  Đối với giáo dục phổ thông, tập trung phát triển trí tuệ, thể chất, hình thành phẩm chất, năng lực công dân… Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng giáo dục lý tưởng, truyền thống, đạo đức, lối sống, ngoại ngữ, tin học, năng lực và kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn… Trung học phổ thông phải tiếp cận nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng. Nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm từ sau năm 2020[6].

Thứ ba, học phải đi đôi với hành, lý luận phải liên hệ với thực tiễn    

Học phải đi đôi với hành, lý luận phải được liên hệ với thực tiễn. Học phải gắn với hành, học mà không hành, không áp dụng vào thực tế khác nào chiếc hòm đựng đầy sách, hành mà không học thì hành không trôi chảy. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Lý luận phải đem ra thực hành. Thực hành phải nhằm theo lý luận. Lý luận cũng như cái tên (hoặc viên đạn). Thực hành cũng như cái đích để bắn. Có tên mà không bắn, hoặc bắn lung tung, cũng như không có tên. Lý luận cốt để áp dụng vào thực tế. Chỉ học thuộc lòng, để đem loè thiên hạ thì lý luận ấy cũng vô ích. Vì vậy, chúng ta phải gắng học, đồng thời học thì phải hành...”[4].               

Trong sự nghiệp giáo dục đào tạo cũng như trong việc huấn luyện cán bộ, đảng viên nói chung, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều nhắc tới tính thiết thực và hiệu quả. Người chỉ rõ: “Dạy và học cần phải theo nhu cầu của dân tộc, của đất nước, bảo đảm cho học trò những tri thức phổ thông chắc chắn, thiết thực, thích hợp với nhu cầu và tiền đồ xây dựng nước nhà, bỏ những phần nào không cần thiết cho đời sống thực tế”[5].      

Thứ tư, phải phối hợp chặt chẽ giữa 3 mội trường giáo dục: Nhà trường, gia đình và xã hội

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh việc giáo dục học sinh là việc chung của gia đình, trường học và xã hội; cần phải có sự kết hợp chặt chẽ 3 mội trường này. Quan điểm này của Người từ lâu đã trở thành phương châm giáo dục được các cấp quản lý và các cơ sở giáo dục cố gắng thực hiện.

Người chỉ rõ, để có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội cần phát huy dân chủ, xây dựng mối quan hệ đoàn kết giữa thầy với thầy, giữa thầy và trò, giữa học trò với nhau, giữa nhà trường với Nhân dân. Để gắn kết các yếu tố nhà trường, gia đình và xã hội trong công tác giáo dục cần chú trọng các phong trào thi đua.

Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế là một công viêc vừa cấp bách, vừa là chiến lược lâu dài của Đảng và Nhà nước ta. Trong đó, vấn đề đầu tiên là phải đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; đổi mới những vấn đề lớn, cốt lõi, cấp thiết, từ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo đến mục tiêu, nội dung, phương pháp, cơ chế, chính sách, điều kiện bảo đảm thực hiện; đổi mới từ sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đến hoạt động quản trị của các cơ sở giáo dục - đào tạo và việc tham gia của gia đình, cộng đồng, xã hội và bản thân người học; đổi mới ở tất cả các bậc học, ngành học. Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong thời kỳ mới hiện nay, một mặt là tiếp tục quán triệt quan điểm, những chỉ dẫn về giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vừa đáp ứng mục tiêu: “Xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt; có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý, gắn với xây dựng xã hội học tập; bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng; chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế hệ thống giáo dục và đào tạo; giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa và bản sắc dân tộc. Phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực”[6].

                                             Ths Trần Văn Kiệt

--------------

Tài liệu trích dẫn

(1). Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 32-33;

(2). Sđd, t.8; tr. 74-75;

(3).Sđd, t.8; tr. 81;

(4). Sđd, t.5, tr. 235;

(5). Sđd, t.8, tr. 80-81.                  

(6). Nghị quyết số 29-NQ/TW Hội nghị Trung ương 8 (khoá XII) “Về đổi mới căn, toàn diện giáo dục và đào tạo”.





Chia sẻ bài viết:  
  In bài viết