Chính trị, xây dựng đảng, đưa nghị quyết vào cuộc sống

Nhiều kết quả nổi bật qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI
Cập nhật lúc 11:46 ngày 02/06/2023 - Số lượt xem: 519

Nhiều kết quả nổi bật qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI


Ngày 01/6/2023, Ban Thường vụ Thành ủy tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” (Nghị quyết số 29-NQ/TW).

Đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: PV.

Tham dự Hội nghị có đồng chí Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố; đồng chí Trần Việt Trường, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; các đồng chí Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố; lãnh đạo các sở, ban, ngành thành phố, các trường đại học, cao đẳng...

Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW và 05 năm thực hiện Kết luận số 51-KL/TW ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI, thành phố Cần Thơ phát huy truyền thống hiếu học; sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và các tổ chức chính trị - xã hội; sự ủng hộ của các gia đình và toàn xã hội; sự tận tụy của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục,... từ đó, đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Nổi bật như: Các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức: thông qua hội nghị báo cáo viên, tuyên truyền viên, tập huấn, truyền thông, hội thảo, tọa đàm, sinh hoạt chuyên đề,… đồng thời, triển khai, tuyên truyền sâu rộng tới đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh, sinh viên về nội dung, nhiệm vụ, giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo của thành phố. Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy thường xuyên chỉ đạo các ban xây dựng Đảng, Đảng đoàn, Ban cán sự Đảng, Đảng ủy và các quận ủy, huyện ủy trực thuộc Thành ủy thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát công tác giáo dục và đào tạo. Hiện nay, mạng lưới cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố được rà soát, sắp xếp ngày càng hợp lý, đáp ứng nhu cầu học tập của Nhân dân; hệ thống giáo dục và đào tạo từ mầm non đến đại học ngày càng được hoàn chỉnh; cơ sở vật chất, thiết bị dạy học từng bước được chuẩn hóa và hiện đại hóa. Hiện toàn thành phố có 447 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông; 09 trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên; 01 Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học và Bồi dưỡng nhà giáo; 91 trung tâm ngoại ngữ, tin học (07 trung tâm ngoại ngữ - tin học; 01 trung tâm tin học; 03 trung tâm ngoại ngữ có 100% vốn đầu tư nước ngoài); có 83 trung tâm học tập cộng đồng; 05 trường đại học và 02 phân hiệu. Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục được quan tâm, tăng cường về số lượng và chất lượng.

Đồng chí Phạm Văn Hiểu (thứ 6, từ phải qua), Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Cần Thơ và đồng chí Trần Việt Trường (thứ 7 từ phải qua), Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ tặng Bằng khen của UBND TP Cần Thơ cho các tập thể. Ảnh: PV.

Trong công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm, đã có sự gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp, mặt bằng chung về trình độ tay nghề mới được nâng dần lên. Có nhiều giải pháp hiệu quả gắn kết đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp, là mắt xích quan trọng và then chốt để giải quyết vấn đề việc làm của học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực tay nghề chất lượng cao trong nền kinh tế trí thức, thời đại số hóa. Với nhiều hoạt động thiết thực, các cơ sở đã nâng cao hiệu quả đào tạo, thông qua số lượng học sinh, sinh viên tốt nghiệp có việc làm hàng năm của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đạt trên 80%, một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên 95% đã đáp ứng một phần không nhỏ cho các cá nhân tổ chức trong và ngoài nhà nước với chất lượng khá tốt được các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động đánh giá khá cao. Thành phố thực hiện bền vững công tác phổ cập giáo dục, xoá mù chữ; tỷ lệ giáo viên trực tiếp giảng dạy từng cấp học đạt chuẩn về trình độ đào tạo khá cao, đa số đều có ý thức tự học, tự rèn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác quản lý và các hoạt động giáo dục; công tác đổi mới quản lý giáo dục được đẩy mạnh, có nhiều chuyển biến tích cực. Qua đó, việc bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cơ bản đảm bảo theo quy định và phù hợp với thực tế từng địa phương. Toàn ngành hiện có 14.480 viên chức, nhân viên, trong đó có 899 cán bộ quản lý, 12.099 giáo viên  (mầm non 2.592 giáo viên, tiểu học 4.339, Trung học cơ sở 3128, Trung học phổ thông 2040). Tỉ lệ cán bộ quản lý đạt và vượt chuẩn là 100%; mầm non đạt và vượt chuẩn 85,88%; tiểu học đạt và vượt chuẩn 81,42%; Trung học cơ sở đạt và vượt chuẩn 90,82%; Trung học phổ thông đạt và vượt chuẩn 99,06%.

Đồng chí Dương Tấn Hiển (thứ 6 từ trái qua), Ủy viên BTV Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ và đồng chí Nguyễn Trung Nhân (thứ 7, từ trái qua), Ủy viên BTV Thành ủy,  Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP Cần Thơ tặng Bằng khen của UBND TP Cần Thơ cho các cá nhân. Ảnh: PV.

Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ giáo dục đối với gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số và việc bình đẳng giới trong giáo dục và đào tạo được thực hiện tốt. Đặc biệt, trong 02 năm học vừa qua, thành phố ban hành chính sách hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non, học sinh các cơ sở giáo dục phổ thông đã tạo hiệu ứng tốt trong việc đảm bảo an sinh xã hội và chia sẻ gánh năng kinh tế với cha mẹ học sinh trong thời gian phục hồi kinh tế sau dịch bệnh COVID-19. Các cơ sở giáo dục tăng cường việc giáo dục đạo đức, nhân cách, lối sống cho học sinh thông qua việc dạy lồng ghép vào các môn văn hóa, các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, để tạo ra những thế hệ học sinh phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ…. Cụ thể, từ quan điểm: “Giáo dục con người Việt Nam toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả”; Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Công văn số 637-CV/TU ngày 21/11/2022 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc thực hiện văn hóa ứng xử trong trường học trên địa bàn thành phố Cần Thơ”. Qua đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong cán bộ quản lý, công chức, viên chức, người lao động và học sinh. Cơ chế tiếp nhận và xử lý thông tin hiện nay được thực hiện nhanh chóng, hiệu quả thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin, mạng internet; phát huy vai trò của công nghệ thông tin và các thành tựu khoa học công nghệ hiện đại trong quản lý nhà nước về giáo dục. Cụ thể, Thành ủy đã xây dựng Đề án giáo dục thông minh và học tập suốt đời, trọng tâm là học ngoại ngữ giai đoạn 2021 - 2030 hướng tới mục tiêu triển khai mô hình giáo dục thông minh và học tập suốt đời, trọng tâm là học ngoại ngữ; trong đó, phấn đấu rút ngắn khoảng cách chênh lệch trong việc tiếp cận công nghệ số trên địa bàn, nhất là các huyện xa trung tâm thành phố; 100% các trường học trên địa bàn đã triển khai thực hiện cập nhật cơ sở dữ liệu ngành, đảm bảo các quy định, phục vụ cho nhu cầu thống kê, khai thác sử dụng cơ sở dữ liệu ngành của giáo dục và đào tạo, thực hiện báo cáo dữ liệu về Bộ Giáo dục và Đào tạo thông qua hệ thống của Viettel Cần Thơ; 100% cơ sở giáo dục từ tiểu học đến Trung học phổ thông trên địa bàn thành phố sử dụng phần mềm quản lý học sinh SMAS; triển khai hướng dẫn các đơn vị một số hình thức dạy học qua các nền tảng trực tuyến trong dạy học và phục vụ đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông, đặc biệt trong thời gian tình hình dịch COVID-19; hỗ trợ triển khai hệ thống Quản lý tổng thể (ERP), các ứng dụng trên mobile phục vụ các đối tượng khác tại các cơ sở giáo dục. Thành phố cũng tiến hành phát triển, triển khai các ứng dụng số phục vụ quản lý, giám sát, điều hành thông minh đối với toàn bộ cơ sở giáo dục các cấp (mầm non, phổ thông, đại học); xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin cho giáo dục thành phố theo hướng hiện đại, thiết thực và hiệu quả; trường học được kết nối đường truyền băng thông rộng; Triển khai mô hình lớp học thông minh…

Đồng chí Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố phát biểu chỉ đạo kết luận hội nghị. Ảnh: PV.

Phát biểu chỉ đạo kết luận hội nghị, đồng chí Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội thành phố tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết số 29-NQ/TW, Kết luận số 51-KL/TW của Ban Bí thư và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Thành ủy; tuyên truyền, nâng cao nhận thức, phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Tăng cường công tác phối hợp, tham mưu ban hành các nghị quyết, kế hoạch về phát triển giáo dục và đào tạo, qua đó, tạo hành lang pháp lý, cơ chế thuận lợi, huy động sự tham gia tích cực của toàn xã hội trong việc đầu tư, thu hút nguồn lực phát triển giáo dục và đào tạo; xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, xã hội học tập và học tập suốt đời. Tăng cường công tác kiểm định chất lượng giáo dục, nhất là tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông; chú trọng kiểm tra, đánh giá, kiểm soát chất lượng giáo dục và đào tạo đối với các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục theo hướng chuẩn hóa. Rà soát, sắp xếp và bố trí đủ số lượng giáo viên, bảo đảm quy định về khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục, quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên đối với các cấp học. Thực hiện tốt chế độ chính sách và chăm lo xây dựng đội ngũ giáo viên, góp phần đảm bảo thực hiện nhiệm vụ đổi mới giáo dục và đào tạo. Nâng cao vai trò và sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh. Đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập góp phần phát triển giáo dục và đào tạo. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng đề nghị quan tâm đầu tư kinh phí, bố trí lồng ghép các dự án, xã hội hóa để có nguồn kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Tăng cường đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp các cơ sở giáo dục công lập, bố trí quỹ đất để tạo điều kiện phát triển giáo dục ngoài công lập. Huy động sự tham gia của toàn xã hội, nhằm tăng nguồn đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo trên địa bàn thành phố.

Dịp này, nhiều tập thể, cá nhân được nhận Bằng khen của UBND TP Cần Thơ vì đã có thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW.

Ngọc Quy





Chia sẻ bài viết:  
  In bài viết